TPHCM: Giải quyết dự án tồn đọng để hút vốn vào nền kinh tế

Năm 2025, TPHCM sẽ tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng, bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết TPHCM thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về kinh tế - xã hội năm 2025. TPHCM cũng trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan TW đã rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với TPHCM. Nhờ vậy, TPHCM đã đạt kết quả khá tốt, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Về tăng trưởng, TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng 7,17%, thu ngân sách khoảng 508.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nêu rõ TPHCM đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động trở lại, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó, có thể kể đến là tuyến Metro số 1.

Nhiều công trình giao thông tại TPHCM đã hoàn thành, khánh thành vào cuối năm 2024; nhiều dự án lớn, đề án lớn đã được chuẩn bị, thông qua cơ quan thẩm quyền, như: đề án trung tâm tài chính quốc tế, đề án đường sắt đô thị, đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài... Đây là những dự án hạ tầng chiến lược của vùng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 (về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án) đã làm việc với TPHCM về những tồn đọng, vướng mắc, chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ tháo gỡ được nhiều hơn, giải phóng được nguồn lực nhiều hơn, đóng góp cho tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025.

Với nhiệm vụ năm 2025, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM xác định là năm tăng tốc để về đích và phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, chuẩn bị kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Để triển khai mục tiêu này, trong năm 2025, TPHCM triển khai 22 chỉ tiêu với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, có 5 nhiệm vụ cần tập trung. Cụ thể:

Thứ nhất, TPHCM nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ, để nâng cao hiệu lực hiệu quả.

Thứ hai, TPHCM tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm tăng trưởng từ 10% trở lên.

Thứ ba, TPHCM khẩn trương triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai các Trung tâm Tài chính quốc tế; dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4 và đường sắt đô thị; phối hợp để triển khai các công trình trọng điểm như Nhà ga T3, Vành đai 3 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.

Thứ tư, TPHCM sẽ khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của thành phố gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới của Diễn đàn Kinh tế thế giới; phối hợp với Bộ KH-CN để đưa Trung tâm Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia phía Nam vào hoạt động.

Thứ năm, TPHCM sẽ tập trung chuẩn bị và triển khai tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, các ngày lễ lớn trong năm, đại hội đảng các cấp. Thành phố sẽ nghiên cứu chính sách miễn học phí, chăm sóc sức khỏe toàn diện, chương trình an sinh xã hội...

Tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thành phố giải quyết các tồn đọng để giúp giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế. Nếu giải quyết tốt thì chắc chắn sẽ còn hàng chục ngàn tỷ đồng đi vào nền kinh tế của năm 2025.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, TPHCM mong muốn có định hướng, khung pháp lý để hệ thống cơ quan hành chính nhà nước quản lý những vấn đề chính, cơ bản, còn những việc có thể chuyển giao cho nền kinh tế, cho xã hội thì cần khung pháp lý để phát huy lực lượng của nền kinh tế, của xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

TPHCM cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch 2 Hội đồng vùng kinh tế (vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ) nên có nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát huy liên kết vùng, phát huy nguồn lực 2 vùng. Nếu làm tốt thì 2 vùng này sẽ đóng góp trên 50% GDP của cả nước, giúp đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-giai-quyet-du-an-ton-dong-de-hut-von-vao-nen-kinh-te-post119659.html
Zalo