TPHCM giải ngân hơn 54.585 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2024
Trong năm 2024, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM đã thực hiện ước đạt hơn 54.585 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng 10,6% so với năm 2023.
Theo đó, trong năm 2024 có nhiều dự án giao thông lớn của TP đã hoàn thành. Điển hình là tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành mở ra chương mới cho giao thông đô thị hiện đại của Thành phố.
Trong tháng đầu tiên vận hành, hành khách được miễn vé đi Metro số 1 cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến.
Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga Suối Tiên (Thủ Đức) đến Bến Thành (Quận 1) khoảng 30 phút, tàu dừng 30 giây ở mỗi ga trên tuyến. Metro số 1 không chỉ là một dự án giao thông mà còn được nhìn nhận như một biểu tượng về sự phát triển của TP.
Các công trình xây dựng tạm ngừng nhiều năm được hồi sinh như cầu Long Kiểng (Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (Cần Giờ), cầu Long Đại (Thành phố Thủ Đức), tuyến đường Dương Quảng Hàm, Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa...
Các dự án giao thông lớn đã tăng tốc như đường Vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; chỉnh trang công viên bờ sông Sài Gòn, cánh đồng hoa hướng dương ở thành phố Thủ Đức tạo nên những điểm sáng cho bộ mặt đô thị TP.
Các công trình trọng điểm khác trên địa bàn cũng đạt tiến độ tích cực. Cụ thể, dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100%.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga với tiến độ chỉ đạt khoảng 30% Kế hoạch, dự kiến toàn bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ hoàn thành vào quý II năm 2025 để phục vụ giai đoạn xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm và đoạn trên cao vào cuối năm 2025. Thành phố thống nhất chủ trương dùng vốn ngân sách Thành phố để triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án tuyến tàu Metro số 2.
Dự án Thành phần 1 (đường Vành đai 3 Thành phố) được chia làm 14 gói thầu xây lắp (10 gói thầu xây lắp chính và 04 gói thầu phục vụ vận hành).
Trong đó, 10 gói thầu xây lắp chính đang được tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến, xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm với tỷ lệ chung đạt khoảng 26%.
Tuy đã tìm được nguồn cát nhưng tiến độ khai thác của các mỏ cát chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án; tổng nhu cầu cát của dự án là khoảng 7,1 triệu m3, mới đưa về công trường khoảng 1,3 triệu m3.
TPHCM và các nhà thầu đang nỗ lực để tăng tốc, rút ngắn tiến độ phấn đấu thông xe tuyến chính cao tốc khu vực thành phố Thủ Đức vào ngày 30/01/2026; khu vực các huyện Bình Chánh - Hóc Môn - Củ Chi vào ngày 30/4/2026.
Dự án Thành phần 2 (đường Vành đai 3 Thành phố) đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hiện tỷ lệ giải phóng mặt bằng đã đạt 99,8%, 03 trường hợp chưa đồng ý bàn giao (thành phố Thủ Đức 01 trường hợp, huyện Bình Chánh 02 trường hợp). Các địa phương đang tổ chức vận động và lên kế hoạch cưỡng chế để giải phóng mặt bằng đạt 100%.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tiến độ thực hiện đạt hơn 90% khối lượng. Gói thầu xây lắp số 2 (nhánh hầm chui HC2) đã thông xe trong tháng 9 năm 2024 và nhánh hầm chui HC1 vẫn đảm bảo tiến độ, thông xe toàn tuyến vào tháng 12 năm 2024.
Dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Trạm biến áp để đảm bảo việc cung cấp nguồn điện ổn định, lâu dài phục vụ cho việc vận hành hệ thống trạm bơm, chiếu sáng và camera của dự án, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa công trình vào khai thác theo kế hoạch.
Dự án nút giao An Phú có tiến độ thi công tương đối tích cực, đạt gần 60% tổng khối lượng, trong đó hạng mục nhánh hầm từ HC1 -01 (hướng từ Hầm Thủ Thiêm đi cao tốc Long Thành - Dầu Giây) đạt hơn 65% khối lượng xây dựng, nhánh hầm HC1-02 (hướng từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây về Hầm Thủ Thiêm) đạt gần 60% khối lượng xây dựng; nhánh hầm HC1 dự kiến thông xe vào cuối năm 2024.
Trong đó, hầm chui phía đường Lương Đình Của chuẩn bị đổ bê tông thêm một đoạn nắp hầm và sàn hầm chui, trên cầu vượt phía đường Mai Chí Thọ, dự án đang được tăng tốc thi công dầm và cọc khoan nhồi phục vụ hoàn thành trục cầu vượt. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có tổng vốn 4.800 tỷ đồng, dự án có 5 gói thầu xây lắp, tiến độ chung đạt hơn 68% khối lượng.
Dự án đã thông xe tại 02 điểm hầm chui Phan Thúc Duyệt và đoạn nối đường Thăng Long - 18E - Cộng Hòa (cửa ngõ Tân Sơn Nhất); phần còn lại đoạn 18E - C12 và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám.
Gói thầu mở rộng đường Hoàng Hoa Thám tiến độ chỉ đạt 55% khối lượng do vướng giải phóng mặt bằng. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2025.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 12 năm 2024 đạt 8.019,6 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 8.009,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 10 tỷ đồng, bằng 22,1% so với cùng kỳ (do Kế hoạch vốn từ ngân sách cấp huyện năm 2024 chỉ bằng 16,8% so với năm 2023).
Tính chung cả năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện 54.585,1 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023.
Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 54.493,9 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2023, đạt 68,8% Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 91,2 tỷ đồng, bằng 20,7% so với cùng kỳ, đạt 81,1% Kế hoạch cấp huyện.