TPHCM: Giải 'bài toán' trùng tên đường

Nhiều tuyến đường trùng tên sau khi sáp nhập TPHCM gây khó khăn cho người dân, trong khi các chuyên gia đề xuất số hóa để giải quyết vấn đề.

Nghi lễ công bố đặt tên đường Đỗ Mười ở TPHCM thực hiện hồi tháng 1/2025. Ảnh: HCMCPV

Nghi lễ công bố đặt tên đường Đỗ Mười ở TPHCM thực hiện hồi tháng 1/2025. Ảnh: HCMCPV

Một tên đường ở nhiều xã phường

Sau sáp nhập, TPHCM xuất hiện nhiều tuyến đường trùng tên, thậm chí có trường hợp trùng tên trong cùng một phường. Cụ thể, đường Lê Lợi xuất hiện tại phường Sài Gòn, phường Thủ Dầu Một và phường Bà Rịa.

Đường Phan Văn Trị xuất hiện ở nhiều phường như: Hạnh Thông, An Nhơn, Bình Thạnh, Bình Lợi Trung… và phường Vũng Tàu, cách nhau hơn 100 km. Đáng chú ý, tại phường Tân Sơn Hòa, có hai đường giao nhau cùng mang tên Hồng Hà.

Ông Nguyễn Duy Hưng (trú khu phố 30, phường Linh Xuân) nhìn nhận: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý được người dân đồng tình ủng hộ. Chính quyền cần sớm xử lý tình trạng trùng tên đường sau sáp nhập.

“Nhiều tuyến đường vốn có tên giống nhau, nay cùng tồn tại trong một phường. Chính quyền cần sớm rà soát, điều chỉnh tên đường hợp lý, đồng thời cập nhật trên hệ thống Google Maps để tránh nhầm lẫn”, ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trùng tên đường gia tăng sau sáp nhập. Cụ thể, việc đặt tên đường trước đây mang tính riêng lẻ, thiếu điều phối liên tỉnh.

Ông Nhựt nhận định, TPHCM từng tập trung vào nguyên tắc đặt tên đường, tiêu chí tôn vinh lịch sử, địa danh văn hóa, nhưng chưa xây dựng lộ trình đổi tên, cơ sở dữ liệu GIS đồng bộ hay tích hợp kinh nghiệm quốc tế phù hợp với mô hình quản trị không có cấp quận, huyện như hiện nay.

Từ những nguyên nhân trên, ông Nhựt cho rằng hệ thống tên đường rối rắm hoặc trùng lặp sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động kinh tế, tạo rào cản cho các dịch vụ hiện đại và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo ông Nhựt, TPHCM từng ban hành Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 25/7/2013 về tiêu chí chọn tên đường và công trình công cộng. Tuy nhiên, các văn bản này được ban hành khi TPHCM còn mô hình chính quyền ba cấp, chưa tính đến bối cảnh sáp nhập quy mô lớn, bỏ cấp quận, huyện như hiện nay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cho biết, theo thống kê trong giai đoạn 2019 - 2020, TPHCM có 311 đường trùng tên với 132 tên gọi. Sau sáp nhập, số lượng đường trùng tên dự báo tăng lên do mở rộng địa giới hành chính. Nhiều đường cùng tên nằm trong cùng một phường hoặc ở hai phường cạnh nhau.

“Chẳng hạn, hai đường cùng tên Hoa Lan giao nhau tại phường Cầu Kiệu, người dân phải tự đặt thêm tên Hoa Lan lớn và Hoa Lan bé để phân biệt”, ông Hồng nói.

 Đường Phan Văn Trị ở nút giao với đường Phạm Văn Đồng ở phường Bình Lợi Trung, nhưng tại phường Vũng Tàu cách đó 100 km cũng có đường Phan Văn Trị. Ảnh: Hà An

Đường Phan Văn Trị ở nút giao với đường Phạm Văn Đồng ở phường Bình Lợi Trung, nhưng tại phường Vũng Tàu cách đó 100 km cũng có đường Phan Văn Trị. Ảnh: Hà An

Quy hoạch, đặt tên đồng bộ

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Nhựt dẫn chứng, tại Tokyo (Nhật Bản), hệ thống tên đường không phổ biến như ở Việt Nam mà dựa trên đánh số khu vực, kết hợp tên quận, phường, block và số nhà.

Cách này giúp tránh hoàn toàn tình trạng trùng tên đường, đặc biệt tại các siêu đô thị. Theo ông Nhựt, cách tổ chức này tạo thuận lợi cho quản lý hành chính và logistics, nhưng đòi hỏi người dân quen thuộc với hệ thống đánh số chi tiết.

Để phù hợp với điều kiện Việt Nam, ông Nhựt đề xuất trước mắt cần rà soát, thống kê và phân loại các tuyến đường trùng tên. Tiếp theo, chính quyền cần bổ sung tên phường, xã hoặc địa danh hành chính sau tên đường để phân biệt.

Về dài hạn, TPHCM cần đổi tên đường theo lộ trình kết hợp quy hoạch, chỉnh trang và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ thông minh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, thuận tiện quản lý và hạn chế xáo trộn cuộc sống người dân.

Cụ thể, TPHCM cần xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về quản lý tên đường, số nhà, mã định danh địa lý, kết hợp với các hệ thống quản lý đô thị thông minh. Dữ liệu này cần được công khai trên cổng thông tin điện tử thành phố, đảm bảo người dân và doanh nghiệp tra cứu dễ dàng.

Ở góc độ xã hội học, PGS.TS Hà Minh Hồng đề xuất giảm bớt các tên đường mang tên nhân vật ít nổi bật, thay vào đó sử dụng tên nhân vật nổi tiếng, sự kiện hoặc địa danh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa lớn, đồng thời thêm số hoặc chỉ dấu để phân biệt.

Ví dụ, đường Nguyễn Văn Linh có thể đặt là Nguyễn Văn Linh - Khu Đông hoặc Nguyễn Văn Linh - Khu Tây, hoặc thêm số sau tên để phân biệt. Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, cách này giúp giảm tình trạng địa phương hóa tên đường, hạn chế sử dụng tên dân gian hóa, giảm áp lực cho ngân hàng tên đường và tăng tính thống nhất giá trị các danh nhân, sự kiện tiêu biểu.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM cho rằng, ngoài tên danh nhân, cần sử dụng thêm tên địa danh, di tích văn hóa, sự kiện lịch sử để làm phong phú quỹ tên đường. Nếu được phát huy đúng mức, việc đặt tên đường sẽ góp phần tạo bản sắc cho TPHCM như một đô thị giàu giá trị di sản.

TS Trương Hoàng Trương, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cũng cùng ý tưởng này.

Ông Trương nhận định, việc đặt tên đường theo tên biển đảo, núi, sông, hồ… mang nhiều ý nghĩa về giáo dục và chính trị. Ông dẫn chứng Việt Nam có hơn 2.700 đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa với 41 đảo san hô, 331 rạn san hô và 16 bãi ngầm.

“Đặt tên đường theo tên các đảo, quần đảo không chỉ giúp trau dồi kiến thức địa lý Tổ quốc mà còn khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các hòn đảo. Tuy nhiên, cần sự hỗ trợ từ các nhà địa lý học, sử học để đảm bảo tính chính xác”, TS Trương nói.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho hay, những bất cập về địa chỉ, tên đường, tên khu phố sau sáp nhập sẽ được thảo luận tại kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới. Sở Văn hóa và Thể thao đã trình đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng, nhưng chưa được thông qua do yêu cầu phải rà soát toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn TPHCM.

Thời gian qua, nhiều phường, xã tại TPHCM đồng loạt cử cán bộ đến từng nhà để phát phiếu, lấy ý kiến người dân về việc đổi tên khu phố. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động khu phố phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập, tránh trùng tên, gây khó khăn trong quản lý và nhận diện vị trí địa lý. Sau khi lấy ý kiến, chính quyền sẽ tổ chức họp với các khu phố, ấp để thống nhất tên gọi.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tphcm-giai-bai-toan-trung-ten-duong-post740123.html
Zalo