TPHCM: Gần 1.000 tỷ đồng 'bốc hơi' theo các vụ lừa đảo trên không gian mạng
Theo Công an TPHCM, thực trạng tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, thiệt hại đối với người dân quá lớn, trung bình mỗi vụ, người dân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng/người.
Ngày 18/12, tại tọa đàm "Nâng cao năng lực phòng chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng", thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM cho biết, các vụ lừa đảo này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại, thiệt hại đối với người dân quá lớn, trung bình 1 vụ 1 người dân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng (có thể là tiền của người bị hại hoặc tiền mà người bị hại vay mượn của người khác).
Hậu quả của các vụ việc, vụ án gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực (đối với trường hợp cho vay mượn tiền nhưng bị hại không có tiền trả) hoặc trường hợp xấu nhất do không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên phải tự chấm dứt cuộc sống của mình.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an TPHCM đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ, số tiền thiệt hại rất lớn, khoảng 982 tỷ đồng (so với 09 tháng năm 2023 tiếp nhận thụ lý 743 vụ, giảm 282 vụ), trong khi đó, công tác điều tra, khám phá các vụ án này còn nhiều hạn chế, đã khởi tố 242 vụ.
Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị lây nhiễm mã độc tống tiền, mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu USD.
Cũng theo thượng tá Hải, hiện nay có tình trạng các đối tượng tạo lập trang web, trang mạng xã hội giả mạo ngân hàng để dẫn dụ người dân truy cập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Một chiêu thức khác là giả mạo nhân viên ngân hàng, ví điện tử gọi điện đến nạn nhân để mời chào mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức tín dụng, tham gia đầu tư tiền ảo, chứng khoán trực tuyến...
Để giải quyết vấn đề này, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về Blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, nhất là đối với những người yếu thế (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ…).
Hình thức đào tạo cần linh hoạt, đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn, đào tạo online qua MasterTeck (nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) Blockchain và AI đầu tiên của Việt Nam theo Chiến lược Blockchain Quốc gia).
Đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm ANTT xã hội là cơ quan Công an, cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quốc tế, tổ chức cung cấp dữ liệu uy tín toàn cầu và các chương trình truy vết on-chain như ChainTracer để tối ưu hiệu quả công tác điều tra, xác định và ngăn ngừa các giao dịch bất hợp pháp.
Đại tá Lê Quang Đạo - Phó giám đốc Công an TPHCM cho rằng, tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, qua đó xác định rõ các nguyên nhân, xu hướng của loại tội phạm này, đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, làm rõ thêm về sự cần thiết, tính cấp bách đối với việc ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, đủ mạnh, khả thi, giúp ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao. Đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, tăng cường ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.