TPHCM: Đề xuất thêm chính sách ưu đãi cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Chiều 25-9, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đặc biệt.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 39 đơn vị giáo dục đặc biệt. Trong đó, có 20 đơn vị công lập (gồm 3 trung tâm và 17 trường chuyên biệt) và 19 đơn vị ngoài công lập (gồm 15 trung tâm và 4 trường chuyên biệt).
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các trung tâm và trường chuyên biệt gần 700 người.
Toàn TPHCM có hơn 10.000 học sinh học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT.
Mặc dù phần lớn các đơn vị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo các cấp trong công tác chuyên môn cũng như chăm lo đội ngũ, tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị có diện tích phòng học nhỏ hẹp, không có sân chơi hoặc sân quá nhỏ, hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện cho học sinh.
Đặc biệt, hiện nay nhiều trường chưa có phòng tâm vận động gây khó khăn trong việc trị liệu tâm vận động cho trẻ khuyết tật; chưa có bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học. Việc in sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn khó khăn do không có kinh phí.
Ngoài ra, do nhân sự không đủ nên các nhân sự choàng gánh công việc, ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả công tác chung của đơn vị.
Hiện nay, khối giáo dục đặc biệt chưa có chế độ ưu đãi dành cho nhân viên làm việc tại các cơ sở chuyên biệt, ảnh hưởng tới việc ổn định nhân sự của các đơn vị; thiếu chuyên viên tâm vận động, chuyên viên vật lý trị liệu, giáo viên can thiệp sớm nên hoạt động chuyên môn của trường chuyên biệt còn gặp nhiều hạn chế.
Trên cơ sở thực tế triển khai giảng dạy, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình hướng nghiệp và giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật thần kinh, học sinh chậm phát triển trí tuệ, đồng thời xây dựng bộ công cụ giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh chậm phát triển trí tuệ.
Việc thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục đem lại nhiều ý nghĩa xã hội giúp học sinh khuyết tật có thêm cơ hội đến trường. Tuy nhiên, các trung tâm cần có thêm chính sách hỗ trợ từ Nhà nước vì tính chất xã hội thiện nguyện.
Đặc biệt, đề xuất bổ sung công việc chăm sóc và giáo dục người khuyết tật tại cơ sở giáo dục vào danh sách “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại” để tăng thêm chế độ, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.
"Trong năm học 2024-2025, khối giáo dục đặc biệt tăng cường các buổi họp giao ban chuyên môn định kỳ để kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, cơ sở giáo dục, qua đó, có những chỉ đạo sát sao, giải pháp kịp thời, phù hợp thực tế. Song song đó, các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý giáo dục và dạy học", Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Minh Thiên Hoàng thông tin.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giáo dục đặc biệt. Hàng năm, số lượng trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập không ngừng tăng cao.
"Hiện nay, TPHCM có chính sách tuyển thẳng lớp 10 công lập đối với học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, chỉ những học sinh khuyết tật mức độ nặng mới được hưởng chế độ đặc cách. Đây là vấn đề ngành giáo dục đang trăn trở và đề xuất điều chỉnh trong thời gian tới", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, để nâng cao chất lượng hoạt động, các đơn vị giáo dục đặc biệt cần chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất hỗ trợ trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy học sinh hòa nhập ở các trường phổ thông.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý các cơ sở giáo dục tăng cường hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ để giúp học sinh phát triển toàn diện, qua đó, giúp các em có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.