TPHCM đề xuất đổi tên nhiều bệnh viện: Người dân mong sự thuận tiện, nâng chất lượng
Sở Y tế TPHCM đề xuất đổi tên đồng loạt bệnh viện quận, huyện trên địa bàn nhằm phù hợp với mô hình chính quyền đô thị hai cấp thành phố.

Bệnh viện Quận 12 được đề xuất đổi tên thành Bệnh viện Trung Mỹ Tây.
Ngành Y tế TPHCM vừa đề xuất đổi tên các bệnh viện sau khi sáp nhập hành chính.
Theo đó, nhóm bệnh viện quận, huyện trước đây sẽ có tên mới hoặc giữ tên địa danh nhưng bỏ chữ "quận", "huyện". Đáng chú ý, vẫn còn 7 bệnh viện thuộc địa bàn các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đi đến thống nhất cuối cùng.
Người dân mong chờ sự thay đổi thực chất hơn là tên gọi
Trước thông tin về việc đổi tên hàng loạt bệnh viện, nhiều người dân TPHCM đã bày tỏ những quan điểm khác nhau. Đa số người dân đồng tình với chủ trương của thành phố về việc sắp xếp lại cho phù hợp với cơ cấu hành chính mới. Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ chữ "quận", "huyện" khỏi tên bệnh viện có thể tạo cảm giác "nâng tầm", chuyên nghiệp hơn cho các cơ sở y tế này.
Anh Hoàng Văn Tuấn (35 tuổi, ngụ phường An Nhơn, TPHCM) chia sẻ, việc đổi tên thành Bệnh viện Gò Vấp nghe có vẻ chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà người dân mong đợi không chỉ nằm ở cái tên.
"Chúng tôi hy vọng sau khi đổi tên, chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của y bác sĩ và cơ sở vật chất cũng sẽ được nâng cấp tương xứng”, anh Tuấn cho hay.

Bệnh viện quận Bình Thạnh dự kiến đổi tên thành Bệnh viện Bình Thạnh.
Tuy nhiên, một số người dân lại tỏ ra băn khoăn về những phiền hà có thể phát sinh.
Chị Hồ Lan Nhi (36 tuổi, ngụ phường Tân Định, TPHCM) lo ngại, Bệnh viện Quận 1 là cái tên quá quen thuộc với người dân khu vực này từ bao đời nay. Bây giờ, đổi thành Bệnh viện Tân Định, thời gian đầu chắc chắn sẽ có nhiều người nhầm lẫn, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc người dân từ các tỉnh khác đến.
"Hy vọng bệnh viện sẽ có thông báo rộng rãi và hướng dẫn cụ thể để người dân không bị bỡ ngỡ”, chị Nhi nói.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng, việc thay đổi tên gọi cần đi đôi với việc nâng cao chất lượng chuyên môn.
Thay vì chỉ thay đổi "tấm áo", ngành Y tế cần tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, thu hút nhân tài và cải thiện quy trình khám, chữa bệnh để giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đó mới là sự thay đổi mà người dân thực sự trông đợi và hưởng lợi.
Chia làm hai nhóm chính
Sở Y tế TPHCM cho biết, việc thay đổi này nhằm thống nhất hệ thống tên gọi, tránh gây nhầm lẫn trong công tác quản lý và hành chính khi cấp quận, huyện không còn là một cấp chính quyền độc lập.
Đồng thời, đổi tên là bước đi cần thiết nhằm hiện thực hóa chủ trương của Trung ương và Thành ủy TPHCM về sắp xếp lại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.
Sự thay đổi này được chia làm 2 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất là các bệnh viện được đặt tên mới, gắn liền với các địa danh, danh nhân hoặc các yếu tố văn hóa, lịch sử đặc trưng của địa phương.
Ví dụ, Bệnh viện Quận 1 dự kiến đổi thành Bệnh viện Tân Định, Bệnh viện Quận 4 thành Bệnh viện Khánh Hội, Bệnh viện Quận 8 thành Bệnh viện Chánh Hưng, hay Bệnh viện Quận 11 thành Bệnh viện Lãnh Binh Thăng.
Nhóm thứ hai bao gồm các bệnh viện giữ lại tên địa danh nhưng lược bỏ đi yếu tố hành chính "quận" hoặc "huyện".
Chẳng hạn, Bệnh viện Quận Bình Tân sẽ trở thành Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện Quận Gò Vấp đổi thành Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Huyện Củ Chi thành Bệnh viện Củ Chi.
Riêng các bệnh viện tại TP Thủ Đức đã được đổi tên trong giai đoạn trước để phù hợp với đơn vị hành chính mới.

Bệnh viện Quận 8 được đề xuất đổi tên thành Bệnh viện Chánh Hưng.
Theo Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện sau khi đổi tên vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự. Việc chuyển đổi không làm thay đổi cơ cấu hoạt động, đảm bảo quá trình khám chữa bệnh diễn ra thông suốt.
Dự kiến trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị sau khi đổi tên, đồng thời cập nhật hệ thống thông tin quản lý để tránh nhầm lẫn trong công tác hành chính và chuyên môn.