TPHCM đã làm gì để hướng đến nền công vụ không giấy tờ năm 2025

Năm 2025 sẽ là năm TPHCM quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền công vụ hiện đại, hiệu quả và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Một trong những mục tiêu được TPHCM đưa ra từ năm 2024, đó là năm 2025 sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên nền tảng số, không chỉ số hóa hồ sơ mà toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện trên nền tảng số và dịch vụ công sẽ được đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình.

Các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số giúp TPHCM hướng đến nền công vụ không giấy tờ. Ảnh: Lê Mỹ

Các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số giúp TPHCM hướng đến nền công vụ không giấy tờ. Ảnh: Lê Mỹ

Để làm được điều đó, ngày 30/01/2024, TPHCM đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc UBND TP.

Năm 2024 là năm TPHCM đẩy mạnh cải cách thể chế với định hướng một nền công vụ số hiện đại, trong đó tất cả các công việc sẽ được thực hiện trên nền tảng số.

Hiện nay, trừ các văn bản mật, các cơ quan Nhà nước tại thành phố đang hoàn thành chỉ tiêu số hóa toàn bộ quy trình xử lý hành chính, thực thi công vụ trên các nền tảng số đã triển khai.

Thành phố đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành số hóa trong năm 2024 và năm 2025 sẽ tạo được môi trường số toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, cũng như việc quản trị thực thi các lĩnh vực kinh tế xã hội của thành phố bằng dữ liệu.

Nhằm khắc phục các ứng dụng rời rạc trước đây, năm 2024 thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT trên các nền tảng số dùng chung, đồng bộ và thống nhất theo định hướng và chỉ đạo của Bộ TT&TT, đưa vào vận hành chính thức 7 nền tảng số: Hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước tại TPHCM - nhằm nắm bắt dư luận, quản lý xã hội trên không gian mạng được chặt chẽ hơn; Hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo thành phố (nâng cấp mới) - nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại TPHCM; Bản đồ thực thi thể chế TPHCM: theo dõi đánh giá chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; kịp thời khắc phục các điểm nghẽn của giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số; Cổng thông tin điện tử thành phố; Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của TPHCM; Vận hành thử nghiệm nền tảng hỗ trợ hoạt động Hội đồng nhân dân thành phố ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tại kỳ họp lần thứ 17 - khóa X; Hệ thống quản lý, giám sát đầu tư công nghệ thông tin thành phố.

TPHCM đã triển khai hiệu quả việc liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ công và năng lực quản lý điều hành thời gian qua.

Đến nay, đã kết nối 11 hệ thống của Bộ ngành: Hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thanh toán quốc gia (Payment Platform); Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Hệ thống Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Giao thông vận tải; Hệ thống Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hệ thống thông tin đăng ký quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ Tư pháp; Hệ thống dịch vụ công liên thông của Bộ Công an; Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách của Bộ Tài chính; Hệ thống VNPOST của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam;

Kết nối phần mềm chuyên ngành của sở ngành, quận huyện: phần mềm chuyên ngành của Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND Quận 1, UBND Quận 6, Hệ thống chuyên ngành VBDLIS của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để triển khai nền công vụ không giấy tờ trong năm 2025, trao đổi với VietNamNet, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong suốt thời gian qua, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, cải cách hành chính TPHCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án thực hiện và triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện từ việc hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số đến việc quán triệt thực hiện đồng bộ số hóa quy trình đến từng cơ quan, cán bộ công chức đang thực hiện công vụ.

TPHCM cũng đã tổ chức rà soát, đôn đốc nâng cấp toàn bộ hệ thống máy tính, mạng, để việc liên thông kết nối thông suốt từ UBND thành phố, sở ngành đến từng địa phương, phường xã, thị trấn, chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và doanh nghiệp.

Trên hạ tầng này, tất cả các hoạt động hành chính các cấp thành phố được chỉ đạo vận hành thống nhất trên cùng một nền tảng số.

TPHCM đã tổ chức nhiều khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, giúp thích ứng với môi trường làm việc số.

Toàn bộ các quy trình làm việc từ xử lý văn bản, giải quyết thủ tục, trả lời xử lý khiếu nại, lắng nghe ý kiến người dân tại các cơ quan, đơn vị hành chính được tiêu chuẩn hóa, số hóa.

Các cơ sở dữ liệu của các sở, ngành được liên thông, dùng chung dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu việc người dân phải cung cấp nhiều lần cùng một thông tin.

Đồng thời, thành phố tiên phong đẩy mạnh thí điểm thay thế việc người dân phải nộp thủ tục giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính như quy định trước đây bằng dữ liệu hiện có trong hệ thống.

Thành phố đã ra mắt ứng dụng Công dân số giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cấp chữ ký số miễn phí để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ về các dịch vụ công trực tuyến và cách thức sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Thắng, để đạt được mục tiêu xây dựng một nền công vụ không giấy tờ, TPHCM vẫn còn nhiều việc phải làm như tiếp tục đầu tư để nâng cấp và mở rộng hạ tầng công nghệ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Cần hoàn thiện khung pháp lý về chữ ký số, xác thực điện tử và các quy định thủ tục hành chính khác để đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch điện tử.

Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin để quản lý và vận hành hệ thống.

“Với những nỗ lực không ngừng, năm 2025 sẽ là năm TPHCM quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền công vụ hiện đại, hiệu quả và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn”, ông Lâm Đình Thắng nói.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tphcm-da-lam-gi-de-huong-den-nen-cong-vu-khong-giay-to-nam-2025-2365773.html
Zalo