TPHCM: Chủ mái ấm Hoa Hồng đối phó nên các lần kiểm tra không phát hiện sai phạm?
Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng, lãnh đạo Quận 12 cho biết trước đó đã nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện được các sai phạm vì chủ cơ sở này tìm cách đối phó với cơ quan quản lý.
Tại cuộc họp báo cung cấp về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ hàng tuần trên địa bàn do Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở TT&TT tổ chức vào chiều 5/9, bà Võ Thị Chính – Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết cơ sở trợ giúp xã hội mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ tại: L50, L52 Khu phố 2 (phường Trung Mỹ Tây, Quận 12) được thành lập theo Quyết định số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 của Phòng LĐ-TB&XH Quận 12.
Người đại diện theo pháp luật của cơ sở là bà Giáp Thị Sông Hương. Loại hình: cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí. Chức năng: trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ...
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin sai phạm của cơ sở trên từ báo chí, Quận 12 đã thành lập Tổ công tác trực tiếp kiểm tra xử lý vụ việc. Quan điểm xử lý vụ việc: Kiên quyết, xử lý mạnh để răn đe, bảo đảm an toàn cho trẻ là trên hết. Tại thời điểm kiểm tra, mái ấm Hoa Hồng đang có mặt 86 trẻ. Trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại trường mầm non Sóc Bông; 03 trẻ từ 6-12 tuổi và 01 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 bảo mẫu, nhân viên đang phục vụ tại mái ấm Hoa Hồng.
Mái ấm Hoa Hồng đã vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc là 86 trẻ (vượt 47 trẻ). UBND quận đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND phường Trung Mỹ Tây phối hợp Tổ Công tác của Sở LĐ TB&XH đưa các trẻ về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở LĐ TB&XH để tiếp tục, chăm sóc nuôi dường theo quy định.
Cụ thể: đưa 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức; 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ (2 tháng tuổi) đang điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện Nhi Đồng 2 do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và Công an phường Trung Mỹ Tây chăm sóc. Sau khi điều trị hết bệnh, trẻ sẽ được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình.
Bà Võ Thị Chính cho biết rất lấy làm tiếc với sự việc vừa xảy ra và cho biết trước đó địa phương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đối với cơ sở trên. Gần đây nhất vào tháng 7/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 12 cũng tổ chức đoàn giám sát làm việc với cơ sở trên nhưng đều không phát hiện ra các sai phạm do chủ mái ấm Hoa Hồng tìm cách đối phó các đoàn kiểm tra.
Hiện UBND quận quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của mái ấm Hoa Hồng. Về xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có hành vi bạo hành trẻ, quận đã chỉ đạo Công an quận làm việc, lấy lời khai chủ mái ấm Hoa Hồng và các bảo mẫu, nhân viên mái ấm có liên quan, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, UBND quận tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại mái ấm Hoa Hồng.
Ông Nguyễn Tăng Minh – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội TP cho biết thêm, hiện TP.HCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp TP, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận-huyện và thành phố Thủ Đức.
“Pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em. Trong đó bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Từ sự việc mái ấm Hoa Hồng, Sở nhận định công tác kiểm tra giám sát và quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh cần được quan tâm hơn. Trong thời gian tới, ngoài kế hoạch kiểm tra giám sát định kỳ hàng năm, Sở tiếp tục có kế hoạch rà soát, kiểm tra giám sát tất cả cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn để ngăn ngừa phát sinh vụ việc bạo hành tại cơ sở trợ giúp xã hội”, ông Nguyễn Tăng Minh nhấn mạnh.