TPHCM chỉ ra những bất cập trong xử lý vi phạm về môi trường

UBND TPHCM vừa có văn bản báo cáo kết quả thi hành Nghị định số 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các công nhân thu gom rác lên xe tại TPHCM. Ảnh: THANH HIỀN

Các công nhân thu gom rác lên xe tại TPHCM. Ảnh: THANH HIỀN

UBND TPHCM đánh giá, Nghị định 45/2022 đảm bảo đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Các quy định trong Nghị định 45/2022 rõ ràng về hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tạo cơ sở pháp lý minh bạch, dễ thực thi…. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, Nghị định 45/2022 vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

 Các công nhân thu gom rác lên xe tại TPHCM. Ảnh: Thanh Hiền

Các công nhân thu gom rác lên xe tại TPHCM. Ảnh: Thanh Hiền

Cụ thể, việc tính số lợi bất hợp pháp theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 4 Nghị định số 45/2022 còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị và cách tính số lợi bất hợp pháp từ việc vi phạm hành chính (Ví dụ không thể tính được chi phí nhân công, hóa chất, vật tư tiêu hao).

Ngoài ra, tại Điều 69, Nghị định 45/2022 quy định cơ quan chức năng sẽ thực hiện niêm phong nhà xưởng, máy móc, thiết bị đối với các trường hợp vi phạm bị buộc đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, tại điều này chưa quy định thời gian thực hiện tổ chức niêm phong và chưa quy định rõ trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn đình chỉ mà chưa khắc phục xong thì sẽ thực hiện như thế nào?...

Qua thực tế triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị một số nội dung như cần đồng bộ hóa các quy định liên quan môi trường trong các văn bản pháp luật khác, tránh xung đột hoặc mâu thuẫn; Nâng mức xử phạt tối đa đối với chủ tịch UBND cấp xã để phù hợp với thực tiễn tại địa phương; Đầu tư thêm vào đào tạo, trang bị phương tiện và nhân sự để các cơ quan quản lý môi trường địa phương có đủ năng lực thực thi; Kiến nghị cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều lần, không chấp hành quyết định, không hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước…

Phạt hơn 105 tỷ đồng vi phạm về môi trường

Từ khi Nghị định số 45/2022 có hiệu lực (từ ngày 25-8-2022) đến ngày 31-10--2024, TPHCM có 6.038 vụ vi phạm hành chính bị xử phạt với số tiền xử phạt hơn 105 tỷ đồng; Số tiền xử phạt đã nộp hơn 95 tỷ đồng; số vụ việc đình chỉ hoạt động có thời hạn là 86 vụ; 3.722 vụ việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Các hành vi, nhóm hành vi sai phạm bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45/2022 gồm: Vi phạm quy định về giấy phép môi trường; Xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; Quản lý chất thải không đúng quy định; Vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường; Không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định…

THANH HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-chi-ra-nhung-bat-cap-trong-xu-ly-vi-pham-ve-moi-truong-post780581.html
Zalo