TPHCM: cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ do nắng mưa thất thường
Theo các bác sĩ da liễu, thời gian gần đây, khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều là cơ hội cho những bệnh ngoài da phát triển ở trẻ nhỏ. Khi phát hiện trẻ nhỏ xuất hiện những biểu hiện bất thường trên da như vùng tay, chân, miệng có mụn nước, có sưng mủ, rỉ dịch vàng…, một số phụ huynh đã tự điều trị tại nhà cho trẻ thay vì đến bệnh viện thăm khám, khiến bệnh càng nặng hơn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, gần đây, nhiều trẻ em được phụ huynh đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng làn da trên cơ thể xuất hiện nhiều mụn nước, có sưng mủ, rỉ dịch vàng; sau đó lan ra một số vùng khác. Tuy nhiên, một số phụ huynh chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian khiến tình trạng bệnh của trẻ nhỏ càng nặng hơn.Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Hồng Phượng, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, kể về trường hợp của một bé gái 5 tuổi (ngụ tại tỉnh Đồng Nai) được phụ huynh đưa đến khám trong tình trạng da vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng. Bé này liên tục ngứa ngáy cào gãi, khó chịu. Trước đó, tay phải của bé xuất hiện mụn nước, ngứa khó chịu. Sau một vài ngày, mụn nước vỡ lan ra, lan dần ra các vùng da khác. Gia đình của trẻ đã đến nhà thuốc tư nhân mua thuốc uống và thuốc bôi. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ, mà dần lan ra các vùng khác chân, mũi…Theo lời kể mẹ của bé, khi nghe người quen mách rằng bị giời leo, giời bò nên "khoán nhang" (lấy nhang khoanh vùng da bị lở loét, thì hơi nóng giúp vết thương nhanh lành hơn) và bôi mủ trái sung có thể giúp sớm khỏi bệnh, gia đình cũng làm theo. Thế nhưng, sau vài này, gia đình thấy không hiệu quả, mới đưa trẻ đến Bệnh viên Da Liễu TPHCM khám.Một trường hợp khác là bệnh nhi 5 tuổi (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) được phụ huynh đưa đến khám trong tình trạng da vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng, bé ngứa ngáy cào gãi, khó chịu. Qua khai thác bệnh sử, mẹ của bé cho biết trước đó khoảng 5 ngày, tay chân của bé nổi các mụn nước nhỏ rải rác. Ngoài ra, trẻ cũng thường xuyên gãi ngứa nên chị đã mua lá chè xanh về tắm cho bé. Thế nhưng, tình trạng không cải thiện mà các nốt mụn nước vỡ, lan ra nhiều vị trí lưng, bụng, miệng…Bác sĩ Phượng cho biết thời gian vừa qua, Bệnh viện Da liễu TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ xuất hiện các biểu hiện vừa kể trên được gọi là bệnh chốc. Đây là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh là làn da trên cơ thể xuất hiện các mụn nước hay bóng nước, đục dần, có mủ rồi vỡ tạo thành vết trợt, đóng vảy màu vàng mật ong đặc trưng, nhanh chóng lan rộng ra vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân.“Nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi nhanh (khoảng 7-10 ngày) và không để lại sẹo. Tuy nhiên, có nhiều trẻ bị tình trạng chốc lan ra nhiều vị trí trên cơ thể do phụ huynh chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian như uống thuốc mát gan, tiêu độc; tắm lá khế, lá chè xanh… Điều này có thể làm bệnh nặng hơn, dễ gây ra biến chứng”, bác sĩ Phượng chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Hồng Phượng, chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đa số là trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Bệnh chốc thường bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Vì vậy, khi thấy trẻ bị chốc, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng vết thương. Trường hợp không cải thiện hoặc có xu hướng bị nặng hơn thì cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được tư vấn, điều trị kịp thời.“Nếu để lâu, điều trị sai cách, tình trạng nhiễm trùng có thể nặng nề và lan rộng hơn, gây một số biến chứng như hội chứng bong vảy da do tụ cầu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu trùng…”, bác sĩ Phượng thông tin thêm.Theo bác sĩ, chuyên khoa 2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM, bệnh này rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và lây sang người khác khi có tiếp xúc với chất dịch rỉ ra từ các vết trợt da, rỉ dịch. Bệnh thường lây truyền trong các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em do tình trạng đông đúc, dùng chung khăn trải giường, khăn lau, đồ chơi hoặc các vật dụng khác với người nhiễm bệnh.Vì vậy, các bác sĩ da liễu khuyến cáo khi phát hiện người thân bị bệnh này, các thành viên trong gia đình phải thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có chứa cồn; đặc biệt là sau khi tiếp xúc với vùng da bệnh.Ngoài ra, người chăm sóc cũng nên giữ gìn vệ sinh cá nhân như giặt quần áo, khăn mặt và khăn tắm của người bị bệnh mỗi ngày, không dùng chung những vật dụng đó với bất cứ ai khác trong gia đình.Trường hợp phát hiện trẻ nhỏ mắc bệnh, gia đình nên cho bé nghỉ học để tránh lây nhiễm với những người xung quanh. Cùng với đó là nên cắt móng tay thường xuyên cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng khi trẻ gãi, cũng như hạn chế tổn thương da và gây vỡ bóng nước. Khi thấy trẻ có những nốt mẩn đỏ, mưng mủ trên da, đặc biệt thường xảy ra trên đầu, mặt thì phụ huynh nên đưa bệnh nhi đến bệnh viện chuyên khoa da liễu khám ngay, đề phòng lây lan và biến chứng nặng.