TP Thủ Đức sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị đi qua
TP Thủ Đức đang quy hoạch phát triển và hoàn thiện một loạt tuyến đường sắt đô thị, cùng các ga đầu mối Thủ Thiêm, Bình Triệu và các depot.

TP Thủ Đức chú trọng phát triển giao thông công cộng trong quy hoạch đến năm 2040. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo Quy hoạch chung đến năm 2040 đã được phê duyệt, TP Thủ Đức sẽ phát triển mạng lưới tuyến giao thông công cộng sức chở lớn, kết hợp với các phương thức giao thông công cộng khác như xe buýt, buýt sông, xe đạp công cộng..., đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại năm 2040.
Mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt 2,5-3 km/km2; chiều dài các tuyến sức chở lớn đạt chỉ tiêu 50-60 km/triệu dân.
Đáng chú ý, TP Thủ Đức quy hoạch phát triển và hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, bao gồm các đoạn thuộc tuyến metro số 1, 2, 3, 5, 6, 7 và 10 của TP.HCM.
Đồng thời, tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành cũng sẽ đi qua TP Thủ Đức, cùng với tuyến Tân Kiên - Thủ Thiêm dự kiến được bổ sung.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa bàn này cũng có một số tuyến đường sắt hành khách và hàng hóa khác đi qua, như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng.
Do đó, thời gian tới, TP Thủ Đức sẽ thực hiện xây dựng các ga đầu mối Thủ Thiêm, Bình Triệu, cũng như các điểm trung chuyển chính kết nối với nhà ga hành khách đường sắt quốc gia, mạng lưới đường sắt liên vùng và tại các khu vực trọng điểm phát triển của TP.
Về đường bộ, TP sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông đô thị và liên vùng, bao gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 2, Vành đai 3, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp, đường nối Quốc lộ 1 - Vành đai 3 qua Long Phước đến Đồng Nai, đường nối từ nút giao Gò Dưa đến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường nối Vành đai 3 với TP Biên Hòa (Đồng Nai).
TP Thủ Đức cũng đặt mục tiêu nâng cấp, xây dựng mới các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, Bình Quới - Rạch Chiếc, Trường Phước...
Với đường thủy, TP Thủ Đức sẽ duy trì quy mô, nâng cấp khu bến cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây dựng khu bến cảng Long Bình bao gồm chức năng cảng đường thủy và cảng cạn quy mô khoảng 48 ha; di dời cảng hàng hóa tại khu vực Trường Thọ, tái phát triển khu vực này thành khu đô thị trung tâm của TP Thủ Đức.
TP cũng cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa quốc gia và địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển của quốc gia, vùng và nhu cầu của TP.
Quy hoạch cũng vạch ra mạng lưới đường trên cao kết hợp mạng lưới đường giao thông vận tải chuyên dụng cho hàng hóa để giảm thiểu xung đột với giao thông đô thị, tập trung vào các tuyến đường vành đai kết nối với cảng Cát Lái và các trung tâm sản xuất lớn.