TP. Long Xuyên nỗ lực cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong 9 tháng của năm 2024 tiếp tục được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Long Xuyên quan tâm chỉ đạo; các cấp, ngành tổ chức thực hiện hiệu quả. Phóng viên Báo An Giang đã có buổi trao đổi với Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đinh Văn Bảo về lĩnh vực này.
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết, kết quả thực hiện CCHC của địa phương hiện nay có những bước thay đổi tích cực nào so với đầu năm 2024?
Đồng chí Đinh Văn Bảo: Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, công tác CCHC nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND thành phố. Ngay từ đầu năm, căn cứ kế hoạch của tỉnh, UBND thành phố chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện; cụ thể hóa nhiệm vụ, tổ chức triển khai đến tất cả cơ quan, đơn vị đầy đủ nội dung kế hoạch, nhiệm vụ CCHC, trong đó xác định 8 nội dung, 6 lĩnh vực trọng tâm, 59 nhiệm vụ: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đến nay, cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nội dung trong kế hoạch CCHC năm 2024 đã chủ động triển khai, phối hợp thực hiện 54/59 nhiệm vụ, đạt 91,5% (còn 5 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên trong quý IV). Về giải quyết TTHC, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/9/2024, tiếp nhận 50.176 hồ sơ; giải quyết đúng hạn 49.636 hồ sơ, đạt 98%; hồ sơ chưa giải quyết trong thời gian thẩm định là 1.044, đạt tỷ lệ 2% (tồn kỳ trước mang sang 504 hồ sơ). Thực hiện tiếp nhận trực tuyến 42.295 hồ sơ, đạt 83,45%.
TP. Long Xuyên thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, đặc biệt chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết TTHC. Giải quyết nhanh chóng TTHC cho nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chú trọng phát triển hạ tầng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư, tiếp tục thu hút nhà đầu tư khác đến thành phố. Quan tâm, đối thoại với doanh nghiệp (DN) để kịp thời phát hiện vấn đề bất cập trong thực hiện TTHC. Từ đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh phù hợp, tạo sự hài lòng cho DN. Thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra công vụ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh việc chấp hành Quy chế văn hóa công sở, thực hiện giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân.
P.V: Đồng chí có thể thông tin rõ thêm một số cách làm tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả đã được ghi nhận, cần phát huy trong thời gian tới?
Đồng chí Đinh Văn Bảo: Địa phương xây dựng mô hình “Giải quyết TTHC tại nhà cho người dân”, với phương châm “Lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ”, “Sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trong công tác CCHC, cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan Nhà nước. Có nhu cầu thực hiện TTHC, người dân, DN liên hệ số điện thoại được đăng trên trang thông tin điện tử của xã, phường. Đơn vị bố trí cán bộ trực tiếp đến nhà hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của công dân trên các thủ tục, như: Trích lục bản sao giấy khai sinh, khai tử, kết hôn; sao y, chứng thực chữ ký. Riêng hồ sơ chứng thực chữ ký, ưu tiên thực hiện tại nhà cho trường hợp già yếu, neo đơn, người khuyết tật đi lại khó khăn, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh có nhu cầu chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ giấy ủy quyền.
Mô hình cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục so với quy định; rút ngắn thời gian kiểm tra, đối chiếu và công dân ký hồ sơ từ 60 phút xuống 30 phút. Không chỉ rút ngắn thời gian làm việc, việc thực hiện TTHC tại nhà còn giúp công chức giảm thiểu bước in giấy hẹn cho công dân, góp phần tiết kiệm, tránh lãng phí, tránh phải lưu nhiều giấy tờ; tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo thuận tiện tối đa, tiết kiệm chi phí cho cả người dân và cơ quan Nhà nước.
P.V: Từ kết quả đạt được, TP. Long Xuyên định hướng gì cho công tác CCHC vào cuối năm 2024 và năm tiếp theo, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Văn Bảo: Thời gian tới, địa phương tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại theo kế hoạch CCHC; đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân. Phát huy tốt mối quan hệ giữa chính quyền, đoàn thể, DN và Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác CCHC trên địa bàn thành phố, góp phần hạn chế thiếu sót, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thông qua kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh quá trình triển khai thực hiện, từng bước thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Việc đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, DN, tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân với cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số như mục tiêu của Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền CCHC, nhất là TTHC trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận và trả kết quả tại nhà không thu phí. Chủ động hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đa dạng với nhiều hình thức. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn giải quyết TTHC; thực hiện đúng quy định giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn.