TP Hồ Chí Minh: Văn hóa đọc bắt nhịp chuyển đổi số
Sáng 16/5, trong khuôn khổ chuyên đề do Đường Sách TP Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia xuất bản và sinh viên đã cùng trao đổi về xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng số trong việc quảng bá sách đến với giới trẻ.
Trong bối cảnh văn hóa đọc truyền thống đang dần nhường chỗ cho các hình thức tiếp cận hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi cách giới thiệu sách phù hợp với thị hiếu của Gen Z, thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số. Chuyên viên truyền thông số Tấn Đạt nhận định: “Video ngắn, nội dung sáng tạo dễ tiếp cận đang là xu thế. Nếu không theo kịp, sách sẽ bị "ra rìa" trong cuộc cạnh tranh thu hút người đọc trẻ”.

Không gian của buổi chuyên đề "Ứng dụng công nghệ smartphone cho quảng bá sách".
Quảng bá sách trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube không còn là giải pháp tạm thời mà đã trở thành hướng đi lâu dài, đòi hỏi đầu tư bài bản cả về nội dung lẫn công nghệ. Nhiều nhà xuất bản đã nhanh chóng thay đổi để thích nghi với xu thế này. Chẳng hạn, kênh TikTok của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (chi nhánh TP Hồ Chí Minh) hiện thu hút hơn 1.700 lượt theo dõi. Nhờ ứng dụng AI, đơn vị này sản xuất các video ngắn giới thiệu sách chính luận, góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc trẻ.

Các bạn trẻ có thể trải nghiệm thư viện số Nguyễn An Ninh tại Đường sách.
Chị Mỹ Tiến, phụ trách truyền thông của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, dù chủ yếu xuất bản giáo trình cho sinh viên, đơn vị vẫn nỗ lực đổi mới phương thức truyền thông, sản xuất các clip ngắn giúp sinh viên tiếp cận tài liệu học tập một cách trực quan hơn, đưa giáo trình và các tài liệu tham khảo, các công trình nghiên cứu của học giả đến nhanh và đến gần hơn với sinh viên.
Sinh viên Đào Phương Nhi (trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại) chia sẻ: “Em thường truy cập vào các thư viện số, ở trên đó các cuốn sách được cập nhật tương đối thường xuyên đầy đủ, có hình ảnh minh họa rất đẹp và tiện theo dõi".

Đông đảo các bạn trẻ chăm chú lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia.
“Giới trẻ hiện tiếp cận sách theo cách rất khác. Vì vậy, cần có sự đồng hành, dẫn dắt thay vì chờ đợi họ đến với sách theo cách truyền thống. Video giới thiệu sách phải ‘chất’ ngay từ giây đầu, sử dụng từ ngữ bắt trend để tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội”, chuyên viên Tấn Đạt chia sẻ.
Hồng Nhung, sinh viên trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh đồng tình: "Em cũng rất thường theo dõi trên facebook và những kênh truyền thông có content vui vui, đúng xu hướng và em dễ bị thu hút theo cách như vậy, từ đó em sẽ tìm đọc những cuốn sách được giới thiệu".
Phương Anh, sinh viên Khoa Xuất bản - Phát hành Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: “Em yêu thích đọc sách truyền thống và thường đến nhà sách chọn lựa, nhưng buổi trao đổi hôm nay rất hữu ích. Để theo ngành xuất bản, em phải học thêm về công nghệ và cách quảng bá sách trên mạng xã hội vì đó là xu hướng giúp sách đến gần hơn với bạn đọc”.
Chương trình khép lại bằng thông điệp: Công nghệ không làm lu mờ sách mà mở ra con đường mới để sách lan tỏa, nếu được ứng dụng một cách sáng tạo và đúng hướng.