TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ tìm hướng tháo gỡ 'điểm nghẽn' để giữ vị thế dẫn đầu
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung phát huy tiềm năng, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội từ các chính sách quốc gia và xu thế quốc tế để duy trì vị thế dẫn đầu, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.
Ngày 23/12/2024, Hội thảo Khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - Vấn đề đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ do Hội đồng tư vấn Triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước gửi về Viện Nghiên cứu. Đây là nguồn tài liệu quý giá để nhận thức rõ về về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, xét trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nội dung các bài tham luận được phân chia thành 6 chủ đề; trong đó nổi lên một số nội dung chính.
Đầu tiên, cơ sở lý luận và thực tiễn được phác thảo qua 07 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, khoa học quản trị và kinh tế hiện đại. Từ đó, cơ hội Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khát vọng phát triển được nhận thức rõ; với nhiều giải pháp đề xuất nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư.
Đồng thời, một số quan điểm và nguyên tắc thực thi cần ưu tiên triển khai đối với Thành phố và Vùng Đông Nam Bộ được xác định, để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Trong đó, các vấn đề cần lưu ý có thể kể đến như cải cách thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản trị nhà nước và tinh gọn bộ máy hành chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, hoạt động của các think tank… nhằm góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung phát huy tiểm năng, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội từ các chính sách quốc gia và xu thế quốc tế để duy trì vị thế dẫn đầu, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.
Kế đó, thực trạng liên kết vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được các tham luận tổng quan, để nhận diện các hạn chế, bất cập còn tồn tại; như cơ chế phối hợp, chất lượng tăng trưởng, cạnh tranh nội vùng, mô hình tổ chức không gian lãnh thổ và phát triển hạ tầng… Hội đồng vùng Đông Nam Bộ được thành lập theo Quyết định số 825/QĐ-TTg, nhưng quy chế hoạt động cần được cải thiện trong khung pháp lý về quy hoạch vùng, tài trợ và đầu tư.
Trong bối cảnh nhiều thách thức như trên, nhiều giải pháp đã được thảo luận; đặc biệt liên quan đến phát huy vai trò nhân tố con người. Đồng thời, việc thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá để vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước.
Trên cơ sở đó, một số gợi ý về phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đặt trong bức tranh liên vùng được đề xuất. Phân tích sâu hơn về lĩnh vực đô thị, môi trường, nhiều giải pháp đột phá chiến lược được gợi mở. Cụ thể như Giải pháp huy động nguồn lực đất đai được đề xuất để khơi thông điểm nghẽn trong triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án... nhằm thực thi quy hoạch. Hay giải pháp phát triển tích hợp giao thông và đô thị; nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, các vướng mắc hiện nay trong việc điều tiết giá trị gia tăng từ bất động sản khi phát triển đô thị theo mô hình TOD được phần tích và đưa ra các khuyến nghị đối với Chính quyền Thành phố. Song song đó, chuyển đổi phương tiện giao thông điện là một sáng kiến hay,góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero trong giao thông vận tải.
Trong bối cảnh chuyển đổi kép hiện nay, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả. Các ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề sandbox cho trung tâm công nghệ tài chính; giải pháp phát triển trung tâm dữ liệu số hóa kênh phân phối, bán lẻ; tín chỉ các-bon; Cần Giờ “xanh”; giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn…. góp phần quan trọng đưa Thành phố vào tiến trình chuyển đổi quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về bảo tồn di sản; giáo dục văn hóa truyền thống; xây dựng nhà ở xã hội; cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục; liên kết đào tạo nguồn nhân lực; phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai… sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đặc biệt, theo các chuyên gia cần lưu ý vấn đề phát huy nguồn lực các ngành công nghiệp văn hóa tại Thành phố. Ngoài ra, vấn đề chính sách đảm bảo việc làm cho người lao động cũng được chú trọng thảo luận, do đây là ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.