TP. Hồ Chí Minh: Triển khai phát triển phương tiện giao thông thân thiện môi trường

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xây dựng và triển khai giải pháp, chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh, thân thiện môi trường trên địa bàn.

Văn bản chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ký ban hành nêu rõ, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường.

Ô tô, xe máy được xem là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Ô tô, xe máy được xem là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao; tham mưu UBND thành phố báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, với thời gian hoàn thành ngay trong quý I/2025.

Giai đoạn 2 có thời gian hoàn thành vào quý III/2025, với các nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi các phương tiện giao thông còn lại trên địa bàn. Trong đó, thành phố xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ và một số quận trung tâm là đơn vị thực hiện thí điểm trong chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo chỉ đạo, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công an thành phố, các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát mạng lưới đường bộ, các cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga... lập danh sách các vị trí đủ điều kiện để xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm sạc điện cho các phương tiện giao thông điện đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch tổng thể khu vực, có nơi đỗ xe và đấu nối giao thông phù hợp; trình cấp thẩm quyền xét duyệt theo quy định.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng hoàn thành hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành trạm sạc xe buýt điện trên địa bàn; trình UBND thành phố xét duyệt theo quy định.

Sở Giao thông vận tải ban hành hướng dẫn các đơn vị lắp đặt các trụ sạc điện trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn theo chỉ đạo; phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu triển khai tổ chức kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố, theo quy định tại Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao nhiệm vụ cho các sở còn lại có liên quan đến kế hoạch phát triển phương tiện giao thông thân thiện môi trường trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh đang phải đối đầu với nhiều thách thức về ô nhiễm không khí. Ảnh: Việt Dũng

TP. Hồ Chí Minh đang phải đối đầu với nhiều thách thức về ô nhiễm không khí. Ảnh: Việt Dũng

Theo đó, Sở Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới tuân thủ mức tiêu chuẩn khí thải quy định của pháp luật; đề xuất Bộ Công thương ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành điện đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho lưới điện thành phố giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định liên quan giá bán điện cho mục đích hoạt động của trạm sạc điện và giá sạc điện từ các trạm sạc điện; hướng dẫn về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc điện thuộc phạm vi quản lý.

Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn chính quyền các địa phương về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống trụ/trạm sạc điện cho ô tô, mô tô điện trong đô thị. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan nghiên cứu chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình tiêu chí xác định và công khai thông tin hoặc hướng dẫn các địa phương xác định và công khai thông tin đối với vùng phát thải cao cần phải hạn chế tổ chức giao thông đối với phương tiện có phát thải cao làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện trước ngày 31/3/2025; rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao; rà soát chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh.

Theo kế hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn về bố trí trạm sạc điện trong các đồ án quy hoạch. Sau khi Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát và bổ sung các trạm sạc điện khi lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-trien-khai-phat-trien-phuong-tien-giao-thong-than-thien-moi-truong-170894.html
Zalo