TP. Hồ Chí Minh: Tổng dư nợ tín dụng bất động sản chiếm gần 28% tổng dư nợ
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh khu vực II cho biết, tính đến hết quý I/2025, tổng mức dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.998 nghìn tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ. Trong đó, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1.098 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 28% tổng dư nợ toàn địa bàn Thành phố, tăng 1,15% so với cuối năm.

Tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang theo sát nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Tín dụng theo sát nhu cầu thực tế về vốn của nền kinh tế
Đánh giá về mức tăng trưởng này, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh khu vực II cho rằng, đây là mức tăng trưởng cao, nếu so với cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,96% và cùng kỳ năm 2023 là 1,25%. Kết quả cũng cho thấy, tín dụng đang theo sát nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu và bất động sản (BĐS)...
Đặc biệt, hoạt động tín dụng trên địa bàn trong quý đầu năm gắn liền với những yếu tố chính như: Đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế Thành phố và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Theo đó, tín dụng cho các ngành lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; nông lâm nghiệp; vận tải kho bãi… đều có tốc độ tăng trưởng trên 1,5%.
Mức tăng trưởng này đạt được cũng là kết quả của công tác giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN và UBND Thành phố cũng như kết quả chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các gói tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao hơn tín dụng VND. Thực tế, hoạt động cho vay ngoại tệ là cho vay có điều kiện, đối tượng cụ thể thuộc nhóm ngành, lĩnh vực xuất nhập khẩu theo quy định về điều kiện vay ngoại tệ.
Mặc dù tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (khoảng 4%) trong quý I/2025, nhưng loại hình tín dụng này đạt tốc độ tăng trưởng 2,1%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng VND và tín dụng chung trên địa bàn.
Ông Lệnh nhìn nhận, tín dụng ngoại tệ tăng cũng phản ánh hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực cũng như sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối đã mang lại lợi ích cho DN xuất nhập khẩu trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh trong quý I đạt 7,51%, cùng với diễn biến tích cực từ các thị trường hàng hóa, bất động sản và tiêu dùng được cải thiện (doanh số bán lẻ tăng; tín dụng tiêu dùng tăng) cũng là yếu tố thuận lợi và là động lực tác động trở lại để tín dụng trên địa bàn tăng trưởng hiệu quả trong 3 tháng đầu năm và những tháng tiếp theo.
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn một triệu tỷ đồng
Phân tích về tín dụng đối với lĩnh vực nhà ở, bất động sản, NHNN Chi nhánh khu vực II cho biết, trong 2 tháng đầu năm, thị trường này đã khởi sắc trở lại với mức tăng lần lượt 0,51% (tháng 1), 0,16% (tháng 2) đã góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở.
Tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đạt 1.098 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 28% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 1,15% so với cuối năm (cao hơn tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm).
Trong đó, tín dụng nhà ở để sử dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 66% tổng dư nợ bất động sản; cho vay nhà ở (gồm nhà ở xã hội, thương mại...) đạt trên 600.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ.
Đối với tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ (cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng văn phòng cao ốc; nhà hàng, khách sạn, khu du lịch,..) vẫn tăng trưởng tốt và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chung trên địa bàn. Trong đó, cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 56.550 tỷ đồng (tăng 2,7%); cho vay lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng đạt 28.068 tỷ đồng (tăng 5,7%).
Từ diễn biến của dư nợ bất động sản, nhóm này phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong đó, hoạt động du lịch tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy tín dụng bất động sản phục vụ lĩnh vực này tăng trưởng cao nhất, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
“Nhìn chung, kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2025 phản ánh tác động tích cực và vai trò của dòng vốn ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế của Thành phố và cho thấy tính hiệu quả của cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN đã và đang triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần cho mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.