TP Hồ Chí Minh tăng tốc di dời nhà ven kênh rạch

TPHCM đến nay mới thực hiện bồi thường, di dời được 1.149/6.500 căn nhà ven kênh rạch, tuy nhiên đã có những thay đổi quan trọng trong chính sách đền bù và hỗ trợ tái định cư. Với các giải pháp mới, chính quyền thành phố kỳ vọng tiến độ di dời nhà ven và trên kênh rạch sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Thi công trên công trường xây dựng cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TPHCM). Ảnh: Hồng Phúc.

Thi công trên công trường xây dựng cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TPHCM). Ảnh: Hồng Phúc.

Tăng tốc tiến độ di dời

Tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, gọi tắt là kênh Xuyên Tâm), đã đạt được một số kết quả khả quan về tiến độ, nhất là đoạn chảy qua quận Bình Thạnh. Trước đây, rạch Xuyên Tâm được liệt vào danh sách các con rạch ô nhiễm nhất tại TPHCM kéo dài gần 20 năm qua và trải qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư.

Theo ông Võ Minh Hoàng - Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng của UBND quận Bình Thạnh, TPHCM), để cải thiện tiến độ dự án đoạn qua địa bàn này, UBND quận đã tiến hành điều tra xã hội học để nắm bắt dư luận. Nhờ đó, tiếp nhận các luồng thông tin của các hộ dân liên quan đến dự án. Từ đó có hướng đề xuất biện pháp theo Quyết định số 12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.

Cũng theo ông Hoàng, hiện việc bố trí tái định cư cho 1.230 hộ dân thuộc diện giải tỏa toàn phần trên tổng số 2.077 hộ liên quan đến dự án là bài toán hết sức khó khăn. UBND quận Bình Thạnh đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM để xúc tiến xây dựng quỹ nhà ở xã hội để đảm bảo nơi ở tái định cư cho các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của dự án.

Cùng với dự án rạch Xuyên Tâm, UBND TPHCM đang triển khai giải pháp phân loại thành 3 nhóm kênh rạch để phân cấp cho các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện chủ động quản lý, khai thác.

Trong đó, nhóm thứ nhất gồm các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước (khoảng 1.055 tuyến) được phân cấp cho Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Nhóm thứ hai, được phân cấp quản lý đối với các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy (khoảng 111 tuyến) và được phân cấp Sở Giao thông vận tải TPHCM chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Nhóm cuối cùng là các tuyến kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối (khoảng 1.890 tuyến) và được phân cấp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, khai thác.

Cải thiện tình trạng ngập cục bộ

Thời gian qua, dù cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo quyết liệt các nhóm giải pháp, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách đền bù và hỗ trợ tái định cư, tuy nhiên tiến độ bồi thường, di dời nhà ven và trên kênh rạch của TPHCM vẫn triển khai chậm. Một số dự án kéo dài nhiều năm khiến nảy sinh tình trạng ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Bà Đỗ Thị Bông (ở phường 2, quận 6) - đại diện các hộ dân chịu ảnh hưởng tại Dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 tại quận 6 cho biết, đến nay tại dự án này vẫn còn nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng, nhưng việc bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư vẫn chưa thỏa đáng. Liên quan đến bất cập tại dự án này, Ban Tiếp Công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị xem xét, giải quyết và trả lời ý kiến người dân theo quy định pháp luật, đồng thời có thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp Công dân trung ương.

Tương tự, do vướng mắc mặt bằng liên quan đến các kênh Tham Lương, kênh Đồng Tiến và tuyến kênh Hy Vọng cũng khiến một số tuyến đường trên địa bàn các quận Gò Vấp, Tân Bình rơi vào tình trạng úng ngập kéo dài. Theo ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM, tình trạng ngập tại đường Nguyễn Văn Quá và một số tuyến đường khác tại quận Gò Vấp là do vướng mặt bằng và vị trí cống Cây Liêm thi công chưa đúng theo quy hoạch thoát nước chung của khu vực, khiến giảm khả năng thoát nước. Ngoài ra, lưu lượng mưa tăng cao thời gian qua cũng khiến kênh Đồng Tiến tiếp nhận lượng nước rất lớn.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo rạch Cây Liêm, rạch Cầu Suối để mở rộng lòng rạch. Bên cạnh đó, tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả nhằm tăng cường khả năng thoát nước.

Tại một số tuyến đường ngập trên địa bàn quận Tân Bình xuất phát từ bất cập thoát nước của tuyến kênh Hy Vọng (kênh có tiết diện nhỏ, hạn chế dòng chảy), Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TPHCM cũng đang đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo kênh Hy Vọng. Sau khi được HĐND TPHCM xem xét, thông qua, sẽ giúp cải thiện tình trạng thoát nước cho các khu vực này.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-tang-toc-di-doi-nha-ven-kenh-rach-10293220.html
Zalo