TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc sởi gia tăng, các bệnh viện vẫn đảm bảo đủ thuốc điều trị

Ngày 30/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, các loại thuốc cần được trang bị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi có biến chứng nặng, đã được bệnh viện dự trù từ đầu năm. Do đó, hiện bệnh viện vẫn đảm bảo đủ thuốc điều trị cho bệnh sởi.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, chống dịch là nhiệm vụ then chốt luôn được bệnh viện chủ động triển khai một cách hiệu quả và tích cực trong nhiều năm nay. Nhờ vậy, khi bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6/2024, bệnh viện đã kích hoạt kế hoạch chống dịch đã ban hành từ đầu năm. Trong đó, việc chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị… thường xuyên được kiểm tra về số lượng, chủng loại và được bổ sung kịp thời khi thấy nguồn dự trữ giảm.

Bệnh nhi bị sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh nhi bị sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cụ thể như vitamin A liều cao, globuline miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) và một số thuốc khác là những thuốc cần được trang bị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi có biến chứng nặng đã được dự trù từ đầu năm.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, riêng thuốc dopamin là một loại thuốc vận mạch được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị sốc, trụy mạch do bệnh sốt xuất huyết hoặc một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Thuốc này cũng được dự trữ từ đầu năm, tuy nhiên đến 15/8/2024 đã hết hạn dùng.

Bệnh viện đã liên hệ với nhà cung cấp và sẽ được cung ứng trong tháng 9/2024. Trong thời gian chờ dopamin, bệnh viện đã chủ động sử dụng thuốc khác có tác dụng tương tự để thay thế. Vì vậy, việc chậm cung ứng dopamin trong thời gian này không ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh sởi hoặc những bệnh lý khác cần sử dụng dopamin như sốt xuất huyết nặng.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 368 trường hợp mắc sởi; trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng. Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, với các tiếp cận hợp lý, kế hoạch rõ ràng và nỗ lực của toàn thể nhân viên, bệnh viện đã điều trị hiệu quả và không có bệnh nhi nào tử vong.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngay từ đầu năm, bệnh viện đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị, đặc biệt là các tình huống chi tiết để xử trí nhuần nhuyễn. Bệnh nhân sởi được phân luồng ngay tại khoa Khám bệnh, có phòng khám sàng lọc sởi. Trong trường hợp trẻ bị suy hô hấp sẽ được chuyển vào phòng cách ly tại khoa Cấp cứu. Việc chuyển bệnh được thực hiện bằng lối đi riêng lên khu cách ly sởi của khoa Nhiễm - Thần kinh. Với các bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ly chăm sóc tại nhà, tái khám tại phòng sàng lọc. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện chặt chẽ xuyên suốt, tổ chức tiêm vaccine cho trẻ chưa chủng ngừa đầy đủ và nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sởi.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, để bảo vệ nhóm bệnh nhi mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, ung thư… trước nguy cơ mắc bệnh sởi khi các trẻ này tiếp xúc với nguồn lây bằng cách truyền IVIG để tạo miễn dịch tạm thời cho các cháu trong thời gian chờ bệnh ổn định để tiêm ngừa vaccine.

“Nếu những bệnh nhi mắc các bệnh nền trên chẳng may mắc bệnh sởi thì nguy cơ biến chứng nặng, điều trị khó khăn. Do đó, với cách làm này, nhiều bệnh nhi mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng yếu đã thoát khỏi bệnh sởi một cách ngoạn mục”, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin.

Trước đó, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác điều trị và phòng, chống dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; thu dung, điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố để hỗ trợ; không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết. Cùng với đó, cần thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Y tế dự phòng và các tỉnh, thành, nơi mà bệnh nhân sởi cư trú; đảm bảo thuốc và trang thiết bị phòng chống dịch, năng lực xét nghiệm.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện số ca mắc sởi tại Thành phố đang gia tăng hàng ngày. Tính đến nay, Thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của Thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh. Số ca sởi ở Thành phố đang tăng nhanh ở nhóm dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Thành phố. Hiện nay, tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh chưa đạt 95%,

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-so-ca-mac-soi-gia-tang-cac-benh-vien-van-dam-bao-du-thuoc-dieu-tri-20240830192103687.htm
Zalo