TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng hợp tác với Astana xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Ngày 15/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Astana (Kazakhstan) với chủ đề 'Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh' đã được tổ chức.

Ông Renat Bekturov cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển Trung tâm tài chính quốc tế với TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: ITPC

Ông Renat Bekturov cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển Trung tâm tài chính quốc tế với TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: ITPC

Phát biểu tại Hội nghị, ông Renat Bekturov - Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC), khẳng định Kazakhstan sẵn sàng hợp tác toàn diện với TP. Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.

“Chúng tôi đến đây để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với TP. Hồ Chí Minh. AIFC sẵn sàng đồng hành với các đối tác Việt Nam trong phát triển mô hình Trung tâm tài chính quốc tế có khả năng kết nối các luồng vốn và đổi mới sáng tạo trên quy mô khu vực” - ông Renat Bekturov nói.

AIFC - đặt tại thủ đô Astana của Kazakhstan, thành lập từ năm 2018 và hiện là Trung tâm tài chính hàng đầu vùng Trung Á và Đông Âu theo Chỉ số GFCI, nhờ áp dụng khung pháp lý Common Law (Luật Chung) của Anh, hoạt động tư pháp độc lập, tòa án và trung tâm trọng tài quốc tế…

Ông Nguyễn Lộc Hà cam kết phối hợp chặt chẽ với AIFC - Ảnh: ITPC

Ông Nguyễn Lộc Hà cam kết phối hợp chặt chẽ với AIFC - Ảnh: ITPC

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với AIFC và các đối tác Kazakhstan để hiện thực hóa đề án Trung tâm tài chính quốc tế.

“Mối quan hệ này không chỉ nâng tầm TP. Hồ Chí Minh trong mạng lưới tài chính toàn cầu, mà còn tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông Hà nói.

Lãnh đạo thành phố tự tin xây dựng và vận hành thành công Trung tâm tài chính quốc tế để trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho siêu đô thị sau sáp nhập. Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đặt trọng tâm vào các trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, fintech, kết hợp hạ tầng số, đô thị thông minh, các sáng kiến pháp lý đặc thù và Sandbox tài chính.

TP. Hồ Chí Minh hy vọng tham vấn AIFC ở ba phương diện: Pháp lý - tài chính linh hoạt; Mô hình quản trị độc lập, minh bạch; Kết nối xuyên biên giới. Thành phố cũng mời gọi các doanh nghiệp tài chính, công nghệ Kazakhstan đầu tư vào Thủ Thiêm, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng số, dịch vụ tài chính và khởi nghiệp sáng tạo.

Trước đó, tại Hội nghị tập huấn chuyên đề do Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) tổ chức, ông Renat Bekturov chia sẻ, yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của AIFC là khung pháp lý theo chuẩn quốc tế, tòa án riêng biệt, đội ngũ trọng tài quốc tế và mô hình “một cửa” hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép.

Ông Zharas Mussabekov, Giám đốc tài chính Sàn giao dịch quốc tế Astana (AIX) cũng cho biết, AIX hiện niêm yết nhiều sản phẩm tài chính đa dạng như cổ phiếu, trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu hồi giáo (Sukuk). Vốn hóa thị trường AIX đến cuối 2024 đạt hơn 82 tỷ USD, phản ánh niềm tin vững chắc từ các nhà đầu tư.

Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đánh giá AIFC là mô hình điển hình về cách thiết lập niềm tin nhà đầu tư thông qua khung pháp lý độc lập.

“Điểm đáng chú ý là AIFC mời chuyên gia quốc tế và trọng tài viên uy tín từ Anh, Hong Kong xét xử các vụ tranh chấp - một hướng đi TP. Hồ Chí Minh có thể tham khảo khi xây dựng Trung tâm trọng tài quốc tế” - ông Vũ chia sẻ.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-san-sang-hop-tac-voi-astana-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-167347.html
Zalo