TP.HCM dự chi 7 tỷ USD xây Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại bậc nhất khu vực
TP.HCM dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. Giai đoạn đầu cần 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu lõi Thủ Thiêm.
Chiều 15/7, UBND TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm tài chính quốc tế Astana tổ chức chương trình bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam và Astana, Kazakhstan với chủ đề "Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM".

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại chương trình.
Tại chương trình, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, TP.HCM đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết số 222 của Quốc hội (có hiệu lực vào ngày 1/9 năm nay).
Nói về TP.HCM, ông Hà cho biết, đây là thành phố nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, dễ dàng kết nối với các trung tâm tài chính trong khu vực và có điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và trao đổi vốn quốc tế. Hệ thống giao thông của TP đồng bộ, đa dạng với cảng biển, sân bay quốc tế... đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tài chính xuyên biên giới.
Về kinh tế, TP.HCM chiếm tỉ trọng khoảng 23% trong GDP cả nước và là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ. TP.HCM cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế.
Tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính thuộc vào loại cao nhất trong khu vực, kèm với đó là chi phí giao dịch trong hệ thống tài chính thấp hơn rất nhiều so với các trung tâm tài chính của thế giới. Một trong những điểm mạnh khác của TP.HCM là nơi có dân số trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Toàn cảnh hội nghị bàn tròn chủ đề "Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM".
"Thông qua sự kiện bàn tròn, chúng tôi muốn lắng nghe những kinh nghiệm quý báu từ Trung tâm Tài chính Astana và khám phá các cơ hội hợp tác để hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM trong thời gian tới", ông Lộc nói.
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong làn sóng hội nhập kinh tế sâu rộng, các trung tâm tài chính lớn tại châu Á như Singapore, Hong Kong hay Dubai đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giao dịch tài chính quốc tế. Đông Nam Á hiện có tốc độ phát triển nhanh, đang cần những trung tâm tài chính hiện đại để đáp ứng nhu cầu đầu tư, quản lý tài sản, công nghệ tài chính và dịch vụ tài chính toàn diện.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, TP.HCM chiếm khoảng 20% GDP, 25% thu ngân sách quốc gia và là cửa ngõ giao thương quốc tế. Tuy nhiên, hệ sinh thái tài chính hiện tại vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) với quy mô bài bản, tích hợp tài chính, ngân hàng, chứng khoán, fintech, logistics và công nghệ số.

Vị trí trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Cũng theo ông Huy, IFC TP.HCM được quy hoạch với tổng diện tích gần 800ha, trải rộng từ phường Bến Thành (20ha), phường Sài Gòn (146ha), Thủ Thiêm (563ha) và mặt sông Sài Gòn (64ha).
Khu lõi trung tâm rộng 9,2ha đặt tại Thủ Thiêm sẽ là nơi đặt trụ sở các cơ quan điều phối, giám sát tài chính. Các tòa nhà hiện hữu như Techcombank Tower, Saigon Tower, Saigon Trade Center sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái tài chính.
Với vị trí như trên, IFC nằm ở tâm điểm mạng lưới kết nối vùng: Đường bộ có 4 cầu lớn nối trực tiếp Thủ Thiêm với trung tâm thành phố; đường cao tốc TP.HC - Long Thành - Dầu Giây; đường thủy ngay trên sông Sài Gòn, gần cảng Cát Lái...
Trong bán kính 60km quanh IFC tập trung hàng loạt cụm công nghiệp chiến lược như Amata - Nhơn Trạch, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu đô thị ven biển Cần Giờ... Các khu vực này đều có tiềm năng lớn về đầu tư, sản xuất và logistics xuyên quốc gia, tạo nhu cầu lớn về dịch vụ tài chính cao cấp.

Khu lõi trung tâm rộng 9,2ha đặt tại Thủ Thiêm sẽ là nơi đặt trụ sở chính của trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Về các mục tiêu và định hướng phát triển đối với trung tâm tài chính quốc tế, theo ông Huy, TP xác định phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm. Trong đó, về hạ tầng cứng, TP sẽ phát triển giao thông ngầm như metro, đường ngầm; trong đó ưu tiên hoàn thiện các tuyến metro 1, 2 và dài hạn là metro 3A đi qua quận 1 cũ.
Ngoài ra, thành phố cũng cải tạo hạ tầng đường bộ và giao lộ trọng điểm, mở rộng hoặc điều tiết thông minh các tuyến đường. Cùng với đó là nâng cấp bến Bạch Đằng thành điểm trung chuyển đường thủy hiện đại.
TP.HCM cũng sẽ nâng cấp mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước và hạ tầng viễn thông, công nghệ số. Bao gồm lắp đặt mạng 5G, trạm phát sóng phủ toàn khu trung tâm tài chính; tích hợp Internet of Things (IoT) trong quản lý điện, nước, điều hành giao thông.
Dự kiến sơ bộ đầu tư cho toàn bộ trung tâm tài chính là khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỉ đô la Mỹ). Trước mắt cần chuẩn bị khoảng 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu lõi bao gồm 11 lô tại Thủ Thiêm trong giai đoạn đầu (khoảng 2-3 năm), trong đó chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở các cơ quan trung tâm tài chính cần khoảng 2.000 tỷ đồng.
TP.HCM cũng sẽ triển khai đồng bộ hạ tầng mềm, năng lượng và số nhằm vận hành hiệu quả Trung tâm Tài chính quốc tế. Về hạ tầng mềm, thành phố áp dụng cơ chế đặc thù, phát triển nhân lực tài chính chất lượng cao và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tài chính. Thành phố cũng hợp tác quốc tế đưa chuyên gia nước ngoài về làm việc theo chiến lược trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính Quốc tế mà Viện Nghiên cứu phát triển đang triển khai.