TP Hồ Chí Minh quyết định xây cầu đường Bình Tiên

Việc xây dựng công trình cầu đường Bình Tiên nhằm tăng cường kết nối vùng, tạo thông suốt giao thông từ trung tâm TP Hồ Chí Minh (Quận 1, 5, 6) với khu vực phía Nam (Quận 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh).

Dự án kết nối giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam

Ngày 18/4, tại Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên được thực hiện tại Quận 6 (điểm đầu từ ngã tư Phạm Văn Chí – Bình Tiên), Quận 8 và huyện Bình Chánh (điểm cuối là đường Nguyễn Văn Linh).

Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, điểm đầu tại ngã tư Phạm Văn Chí – Bình Tiên (Quận 6).

Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, điểm đầu tại ngã tư Phạm Văn Chí – Bình Tiên (Quận 6).

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên rất quan trọng, giúp tăng cường kết nối vùng, tạo thông suốt giao thông giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa với các sân bay, cảng biển.

Hiện tại, hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm TP (Quận 1, 5, 6) với khu vực phía Nam (Quận 7, 8 huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) chủ yếu qua các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (cầu Kênh Tẻ); đường Dương Bá Trạc (cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y); đường Phạm Hùng (cầu Nguyễn Tri Phương) và đường quốc lộ 50 (cầu Nhị Thiên Đường).

Các tuyến đường và cầu nêu trên hiện nay đã quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Thời gian tới, sau khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào khai thác (dự kiến năm 2026) dự báo nhu cầu lưu thông khu vực tăng rất cao (trong đó có quốc lộ 50), gây áp lực thêm cho hệ thống hạ tầng giao thông khu vực.

Do đó, sau khi công trình cầu đường Bình Tiên hoàn thành, sẽ hình thành trục giao thông mới (trục chính đô thị) hướng tâm, kết nối khu trung tâm TP với khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước và kết nối với các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam TP và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn sau năm 2050.

Cầu đường Bình Tiên sẽ hoàn thành vào năm 2028

Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên có quy mô đường trục chính đô thị với tổng chiều dài tuyến khoảng 3,66 km và quy mô mặt cắt ngang từ 4 - 6 làn xe; bề rộng mặt cắt ngang từ 30 – 40 m, dự án thuộc nhóm A. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, tổng mức đầu tư dự án 6.285,020 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 - 2028. Theo đó, quý II/2025 lập, trình thông qua chủ trương đầu tư dự án; quý II và III/2025 tiến hành khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; quý III và IV/2025 khảo sát, lập, duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra vào quý III/2025 đến quý III/2026. Trong quý I/2026, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và khởi công xây dựng. Dự kiến hoàn thành công trình vào quý III/2027, tổ chức nghiệm thu, quyết toán dự án vào năm 2028.

Còn tại Nghị quyết về “Chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh)” chấp thuận việc tách dự án thành 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.311,340 tỷ đồng (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật); dự án thành phần 2 dự kiến khoảng 2.884,940 tỷ đồng (đầu tư xây dựng).

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-quyet-dinh-xay-cau-duong-binh-tien.677823.html
Zalo