TP Hồ Chí Minh: Lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ

Sách không chỉ là kho báu tri thức mà còn là người thầy thầm lặng, đồng hành cùng người trẻ trong suốt hành trình trưởng thành. Xây dựng thói quen đọc sách từ sớm đang trở thành ưu tiên trong môi trường học đường và xã hội hiện đại.

Bạn đọc trẻ tìm hiểu sách tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Bạn đọc trẻ tìm hiểu sách tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Cơ hội gieo hạt giống tri thức

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và giáo dục, sách giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, giai đoạn đặt nền móng cho tư duy, đạo đức và khát vọng học hỏi. Việc nuôi dưỡng tình yêu sách, thói quen tự học và học tập suốt đời là yếu tố nền tảng trong xây dựng xã hội học tập.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, thành viên nhóm biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 2 và 3, Nhà Xuất bản Giáo dục TP Hồ Chí Minh cho biết, sứ mệnh nhà giáo đôi khi chỉ đơn giản là người truyền đạt thông tin về kiến thức văn hóa, giáo dục... đến mỗi học sinh của mình. Mỗi tiết học phải trở nên sinh động, đáng nhớ để học sinh cảm nhận được rằng đến trường là một niềm vui và đọc nhiều sách sẽ đưa chúng ta đến với nhiều chân trời mới với nhiều câu chuyện thú vị.

Đặc biệt, trong những chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền thường ghi nhận những nỗ lực đáng quý của giáo viên địa phương trong việc giữ lửa đam mê học tập, nâng cao văn hóa đọc cho các em học sinh. Nhiều trường đã xây dựng các tủ sách, không gian văn hóa đọc để tạo ra những bài học lôi cuốn, khơi gợi sự tò mò, thích thú sách cho học sinh. Khi học sinh thấy đến trường, đọc sách là điều hạnh phúc, các em sẽ muốn đi tiếp con đường tri thức ấy.

Từ góc độ một người làm truyền thông và là Đại sứ Văn hóa đọc, nhà báo Trung Nghĩa cho biết, việc chia sẻ nâng cao văn hóa đọc đối với sinh viên, học sinh, các bạn trẻ là một quá trình. "Khi tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực và học hỏi nhiều từ góc nhìn mới của các bạn. Việc xây dựng thói quen đọc sách cũng là quá trình nuôi dưỡng tinh thần tự học, một kỹ năng sống còn trong thời đại công nghệ biến đổi không ngừng.

Khi chúng ta ý thức rằng mình phải học cả đời, sách sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng. Đọc sách giúp chúng ta cập nhật, làm mới bản thân mỗi ngày, không bị tụt lại phía sau trước làn sóng AI và công nghệ”, nhà báo Trung Nghĩa chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Dũng, Nhà sáng lập, Chủ tịch Sbooks cho biết, sách và giáo dục có mối liên hệ hữu cơ, không thể tách rời. Những người thầy trong đời ông đã dẫn lối để ông tiếp cận những cuốn sách thay đổi tư duy, số phận của ông. Với ông, văn hóa đọc sẽ thực sự bùng nổ nếu mỗi người thầy, mỗi nhà trường ý thức được sứ mệnh lan tỏa giá trị sách cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, Sbooks cũng đã đồng hành cùng nhiều trường học, xây dựng tủ sách gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi. Nhờ hoạt động này mà ngày càng có nhiều bạn trẻ có đam mê đọc sách hơn.

Bổ trợ nuôi dưỡng nhau

Bà Đoàn Phương Thoa, Phó Giám đốc Sbooks cho biết, mối quan hệ giữa người làm sách, người thầy và học trò như một vòng tuần hoàn khép kín, bổ trợ và nuôi dưỡng nhau, qua đó phát triển nền tảng văn hóa của xã hội. Sách là “người thầy bất hủ” của đời người. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều mối quan tâm khác, nhưng niềm tin vào giá trị sách trong giới trẻ vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

"Hiện nay, văn hóa đọc không chỉ là câu chuyện của sách mà là một biểu hiện của khát vọng học tập, phát triển và khai phóng con người. Việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách nơi người trẻ hôm nay sẽ chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, một đất nước coi trọng tri thức và vươn lên bền vững trong tương lai", bà Phương Thoa cho biết thêm.

Hiện nhiều trường học trên cả nước đã chủ động đưa văn hóa đọc trở thành một phần quan trọng trong chương trình giáo dục toàn diện. Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình “Thư viện thân thiện” được triển khai tại hàng trăm trường tiểu học, với không gian đọc mở, sáng tạo, sách được phân loại dễ tìm, giáo viên hướng dẫn học sinh cách chọn và đọc sách hiệu quả. Các hoạt động như “Giờ đọc sách”, “Ngày hội đọc sách”, “Tủ sách lớp em”... đang dần trở thành nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc trong đời sống học đường.

Cũng tại TP Hồ Chí Minh, chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách hay” đã được nhiều trường THPT duy trì suốt nhiều năm, khuyến khích học sinh chia sẻ cảm nhận về sách trước toàn trường, tạo môi trường khuyến đọc lan tỏa và thực chất. Không ít học sinh từ những hoạt động này đã tìm thấy đam mê nghiên cứu, viết lách hoặc đơn giản hơn là hình thành thói quen tự học và tư duy độc lập.

Người dân mua sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Người dân mua sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Mặt khác, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh cũng tham gia vào công cuộc phát triển văn hóa đọc. Những dự án như: “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch hay “Chuyến xe tri thức” của các nhà xuất bản đã đưa sách đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển, nhiều nền tảng sách điện tử, sách nói cũng ra đời, như Voiz FM, Fonos... giúp người trẻ tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi đó, giữa đô thị hiện đại, TP Hồ Chí Minh cũng đang góp phần lan tỏa, nâng cao văn hóa đọc từ việc xây dựng các đường sách ở các quận, huyện như: thành phố Thủ Đức, Quận 7, quận Tân Bình...

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, những đường sách tại TP Hồ Chí Minh không chỉ là không gian của văn hóa đọc lý tưởng cho người dân, du khách mà tại đây luôn có nhiều hoạt động giao lưu, ra mắt sách; là điểm đến thường xuyên của các doanh nhân, trí thức, của các gia đình vào dịp cuối tuần. Đặc biệt, đây là nơi làm việc của các trường học, cơ sở giáo dục với đông đảo các bạn học sinh, sinh viên đến đây học tập vui chơi giải trí, sớm tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng, trí não, dần hình thành tình yêu và thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc mỗi ngày.

Theo các chuyên gia văn hóa, ngoài các tín hiệu tích cực trên, vẫn còn đó nhiều thách thức trong việc lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ do nhiều nguyên nhân như: nhiều trường học thiếu kinh phí đầu tư thư viện; một bộ phận học sinh chưa được định hướng đọc đúng cách, sách chất lượng cao, giàu tính giáo dục vẫn còn hạn chế về số lượng và giá thành... Đây là những vấn đề cần sự chung tay từ nhà nước, ngành giáo dục, các nhà xuất bản và cộng đồng để việc lan tỏa văn hóa đọc đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/tp-ho-chi-minh-lan-toa-van-hoa-doc-trong-gioi-tre-20250515132514489.htm
Zalo