TP. Hồ Chí Minh: Khai mạc Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh năm 2024

Sáng 24-9, Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) năm 2024 đã chính thức khai mạc. FD năm nay diễn ra trong hai ngày (ngày 23 và 24-9), đây là lần thứ hai FD được tổ chức với chủ đề 'Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển'.Tham dự sự kiện có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Võ Văn Hoan, Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; cùng 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.Hồ Chí Minh.

 Quang cảnh khai mạc Hội nghị Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh 2024.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh 2024.

Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển

Phát biểu khai mạc sự kiện, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hội nghị Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh 2024 rất vinh dự chào đón hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh đến tham dự.

Chủ đề của Đối thoại Hữu nghị năm nay, "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác" là vấn đề thiết yếu và cấp bách đối với chúng ta. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.

 Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh 2024.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Đối thoại hữu nghị TP. Hồ Chí Minh 2024.

Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.

Về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của TP. Hồ Chí Minh trong cả nước và khu vực.

Về xu hướng toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.

 Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại Đối thoại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại Đối thoại.

Cũng theo đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Để ứng phó với những thách thức này, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.

Chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước. Đây chính là lý do tại sao Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới. Tôi tin rằng, thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số, hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững.

Hướng tới tương lai, TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. TP. Hồ Chí Minh tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.” – đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chuyển đổi công nghiệp là gì?

Chuyển đổi công nghiệp (Industrial Transformation) là một khái niệm rộng và diễn ra ở nhiều cấp độ. Có thể hiểu chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi có tính chất nền tảng các ngành công nghiệp, do ứng dụng tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Ở cấp độ thành phố, đó là sự chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp, theo hướng từ bỏ hoặc nâng cấp một số ngành truyền thống và/hoặc phát triển các ngành mới, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Ở cấp độ doanh nghiệp, đó là quá trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Quá trình chuyển đổi công nghiệp của Thành phố tập trung vào một số nội dung chính sau:

- Chuyển đổi kép: là việc chuyển đổi song song, tích hợp hai xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để khai thác lợi ích của việc cộng sinh. Chuyển đổi kép đã được nhiều quốc gia tập trung thực hiện và trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai.

- Chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao và/hoặc ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi giá trị: (1) Thành phố định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa sản xuất, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh; (2) Đối với các ngành truyền thống như thực phẩm chế biến, dệt may, và cao su nhựa, Thành phố hướng đến nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung sản xuất chế biến các sản phẩm tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng lớn; (3) Ngoài ra, Thành phố còn định hướng tiếp tục phát triển mạnh các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.

Hoàng Hào

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/thanh-pho-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-khai-mac-doi-thoai-huu-nghi-tp-ho-chi-minh-nam-2024-21661
Zalo