TP Hồ Chí Minh: Huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sau 8 tháng, tình hình kinh tế - xã hội tại thành phố tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bị chậm tiến độ. Vì vậy, sắp tới các đơn vị sở, ngành, đơn vị cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trên địa bàn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 vào sáng ngày 4/9.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 vào sáng ngày 4/9.

Sáng ngày 4/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tháng 8/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi so với cùng kỳ ở cả 3 chỉ số (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,5%; chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%; chỉ số tồn kho giảm 14,0%). Qua đó, đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Đối với tổng thu ngân sách Nhà nước, trong 8 tháng ước tăng 15% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ các khu vực kinh tế sau 8 tháng đều tăng khá, khiến mức thu nội địa tăng 24%. Đặc biệt, ghi nhận mức tăng 0,3% trong mức thu từ xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn.

Thống kê 8 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh cũng tăng 3,2%. Trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng; tăng cao nhất ở nhóm thuốc, dịch vụ y tế (tăng 7,80%), kế đến là nhóm giáo dục (tăng 7,48%)...

"Những tháng qua, nhờ tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số trên tăng 10 % so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành ghi nhận mức tăng cao là 66%…", bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, từ các chỉ số trên cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đang tiếp tục đà phục hồi, đạt các chỉ tiêu kế hoạch mà Thành phố đã đề ra của năm 2024. Tuy nhiên, hạn chế của Thành phố vẫn là vấn đề giải ngân đầu tư công.

Cụ thể, đầu năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu giải ngân 20%, nhưng sau 8 tháng kết quả chỉ đạt 18 %. Một số đơn vị đang bị chậm tiến độ giải ngân gồm: Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết giải ngân 590 tỷ nhưng đến nay mới giải ngân 86 tỷ đồng; Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ giải ngân hơn 31 tỷ đồng; Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết giải ngân 153 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 60 tỷ đồng; Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cam kết giải ngân 119 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 32 tỷ đồng...

"Như vậy, tính chung tổng giải ngân của các Ban quản lý trên địa bàn, từ đầu năm đến nay chỉ đạt 10%, thấp hơn mức bình quân của TP Hổ Chí Minh. Trong khi đó, các quận, huyện đã giải ngân trung bình 34% và đang "gánh" kết quả giải ngân đầu tư công của toàn thành phố", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong thời gian tới , Chủ tịch Phan Văn Mãi đã đề nghị, các thành viên UBND thành phố, giám đốc sở, ngành, chủ tịch quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần rà soát tất cả các dự án, công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn để xem còn dự án nào đang vướng mắc và vướng mắc ở đâu. Các chủ đầu tư, ban quan lý khi gặp vướng mắc ở đâu thì cần báo cáo cho các cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra từ đầu năm 2024.

Dịp lễ 2/9, lượng khách đến các siêu thị tăng giúp doanh thu ngành dịch vụ thương mại tăng theo.

Dịp lễ 2/9, lượng khách đến các siêu thị tăng giúp doanh thu ngành dịch vụ thương mại tăng theo.

Ngoài ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi sẽ giám sát công việc của các phó chủ tịch, các giám đốc sở khi xử lý các công việc chung của Thành phố. Trong trường hợp nhiệm vụ bị chậm trễ, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng sẽ chịu trách nhiệm trước tập thể UBND TP Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND thành phố đối với các công việc còn nợ, còn chậm tiến độ.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, từ nay đến cuối năm, dự báo các doanh nghiệp rút khỏi thị trường sẽ tăng, nguyên nhân do doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn, sức mua thị trường sẽ còn gặp khó khăn... Vì vậy, đại diện UBND Thành phố đề nghị các Sở, ban, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm vấn đề trên và có báo cáo với lãnh đạo Thành phố để có hướng xử lý.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-huy-dong-nguon-luc-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-dau-tu-cong-20240904133041787.htm
Zalo