TP. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày giải phóng - Bài 1: Khát vọng đổi mới
Nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, TP. Hồ Chí Minh đã bứt phá ngoạn mục, từ một đô thị chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, trở thành đầu tàu kinh tế cả nước.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, TP. Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác - đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước. Từ một đô thị chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, thành phố đã bứt phá ngoạn mục để trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực, một đô thị năng động, hiện đại và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Hành trình 50 năm của TP. Hồ Chí Minh là minh chứng cho tinh thần kiên cường, sáng tạo và khát vọng vươn xa của một thành phố luôn sẵn sàng đón nhận thử thách và đổi mới để phát triển. Một TP. Hồ Chí Minh hào hùng trong quá khứ, sôi động ở hiện tại và đầy hứa hẹn trong tương lai!
Thách thức và khát vọng vươn tầm

Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn và chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ. Cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất, nhưng cùng với đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất miền Nam.
Dù không phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề về cơ sở hạ tầng như TP. Hà Nội trong chiến tranh phá hoại, TP. Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng vẫn đối mặt với tình trạng khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh, các thế lực chống phá từ bên trong và bên ngoài, tình hình thế giới nhiều biến động, còn hạn chế trong kinh nghiệm quản lý kinh tế, đô thị.
Trước năm 1975, Sài Gòn - Gia Định là một trung tâm kinh tế sầm uất, vận hành theo mô hình tư bản chủ nghĩa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nhẹ, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, nền kinh tế này chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh, phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài. Khi chiến tranh kết thúc, các nguồn viện trợ bị cắt đứt, hệ thống tài chính - ngân hàng cũ sụp đổ, nhiều nhà tư sản và doanh nghiệp rời bỏ thành phố, gây ra tình trạng đình trệ nghiêm trọng.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong sự chào đón của nhân dân. Ảnh tư liệu
Hệ thống sản xuất công nghiệp và thương mại bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt nhà máy ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu và vốn đầu tư. Giao thông vận tải gián đoạn, hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ. Giá cả hàng hóa leo thang, lương thực khan hiếm, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Tình trạng thất nghiệp lan rộng, dẫn đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội như buôn lậu, đầu cơ tích trữ, chợ đen.
Bên cạnh khó khăn về kinh tế, thành phố còn phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội nan giải. Hàng trăm nghìn người di tản ra nước ngoài, chủ yếu là giới trí thức, doanh nhân và tầng lớp trung lưu, gây tổn thất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngược lại, hàng chục nghìn người từ nông thôn đổ về thành phố tìm kiếm cơ hội mới, làm gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị vốn đã quá tải. Nhà ở thiếu thốn, nhiều khu dân cư rơi vào tình trạng tồi tàn. Giáo dục và y tế cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu giáo viên, bác sĩ và trang thiết bị.

Đại lộ Nguyễn Huệ khoảng năm 1970 và hiện nay là phố đi bộ theo hướng nhìn từ sông Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Từ một đô thị phồn hoa, TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh trì trệ, đời sống người dân lầm than. Nhưng chính trong những thời khắc đen tối nhất, khát vọng vươn lên của một thành phố kiên cường lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Những bước chuyển mình mạnh mẽ
Từ năm 1976, thành phố chính thức đổi tên từ Sài Gòn - Gia Định thành TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển. Dù nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp với nhiều hạn chế, thành phố vẫn nỗ lực ổn định đời sống người dân.
Giai đoạn 1976 - 1985, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt trung bình 2,7%/năm, nhưng quan trọng hơn cả, TP. Hồ Chí Minh đã tìm tòi, đổi mới, đột phá từ thực tiễn để “tự cởi trói”, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị tiền đề cho công cuộc đổi mới kinh tế sau này.

Một góc TP. Hồ Chí Minh những ngày đầu năm 2025. Ảnh: Tuấn Anh
Từ năm 1986, TP. Hồ Chí Minh tiên phong trong đổi mới kinh tế, chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 1986 - 1990, GRDP tăng trung bình 7,82%/năm, sau đó vọt lên 12,62%/năm trong giai đoạn 1991 - 1995, nhờ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.
Từ 1996 - 2010, thành phố khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 - 11%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 700 USD (1996) lên gần 5.000 USD (2010), kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.
Giai đoạn 2011 - 2020, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, đạt mức tăng trưởng trung bình 6,86%/năm, đóng góp 25,79% GDP cả nước. Thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp với 27,6 doanh nghiệp/1.000 dân.
Từ 2021, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, khiến tăng trưởng năm 2021 âm 6,78%. Tuy nhiên, kinh tế phục hồi mạnh, tăng 5,81% năm 2023 và 7,17% năm 2024, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh Hà An
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng khẳng định, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, Sài Gòn - Gia Định - TP. Hồ Chí Minh là nơi đi trước về sau, vinh dự là nơi ghi những trang mở đầu và kết thúc thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc.
“Người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh có quyền tự hào về chiến công chói lọi của Đại thắng mùa Xuân, tự hào về những giá trị trường tồn mà Đảng và Nhân dân thành phố đã tạo nên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược. Chúng ta càng tự hào không chỉ vì đi trước về sau vẻ vang trong kháng chiến mà TP. Hồ Chí Minh đã và đang dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu vì cả nước, cùng cả nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu đi trước về đích trước, nhằm xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh hiện đại, nghĩa tình”, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nói.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Ảnh: T.T.D
Sự phát triển vượt bậc của TP. Hồ Chí Minh trong gần 50 năm qua còn được thể hiện qua những công trình hạ tầng quan trọng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy kinh tế. Cầu Sài Gòn là một trong những công trình tiêu biểu, kết nối trung tâm thành phố với khu Đông, mở ra không gian phát triển mới. Hầm Thủ Thiêm, hoàn thành vào năm 2011, là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đại lộ Võ Văn Kiệt, khai trương năm 2010, là tuyến giao thông huyết mạch giúp kết nối khu Đông và khu Tây TP. Hồ Chí Minh, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường cũ.

Tòa tháp Bitexco Financial Tower biểu tượng cho sự năng động và hiện đại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Anh
Ngoài ra, hàng loạt công trình mang tính biểu tượng khác cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thành phố. Tòa nhà Bitexco Financial Tower, hoàn thành năm 2010, là một biểu tượng cho sự năng động và hiện đại của TP. Hồ Chí Minh, từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam tại thời điểm xây dựng. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phát triển từ cuối thập niên 1990, trở thành một hình mẫu về quy hoạch đô thị hiện đại. Gần đây nhất, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024, sẽ tạo bước ngoặt trong hệ thống giao thông công cộng của TP. Hồ Chí Minh, hướng tới phát triển bền vững.

Tuyến tàu Metro số 1 - bước ngoặt giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn lại hành trình đã qua, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước mà còn là nơi hội tụ khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: “TP. Hồ Chí Minh đang tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong thực hiện khát vọng ấy, truyền thống cách mạng đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, trong sự tin yêu của cả nước, sự kỳ vọng của nhân dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, tăng cường sự vững mạnh của hệ thống chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, luôn xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố anh hùng”.
(Còn nữa)
Với những nền tảng vững chắc đã xây dựng và khát vọng không ngừng vươn lên, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước trong thời đại mới.