TP Hồ Chí Minh: Gia tăng ba loại dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ

Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, các dịch bệnh truyền nhiễm tại thành phố vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, dịch bệnh tay chân miệng có số ca bệnh tăng cao nhất.

Chiều 1/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh tăng gần 38% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Cụ thể, từ ngày 23 - 29/9, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 420 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 12.252 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và Quận 8.

Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Lưu, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine ngừa bệnh. Do đó, để phòng ngừa, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân; nếu trẻ mắc bệnh nên nghỉ học để hạn chế lây cho các bạn cùng lớp; vệ sinh môi trường sống thường xuyên như khử khuẩn bề mặt, vệ sinh đồ chơi; rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ...

Bên cạnh đó, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ biến chứng như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình nhiều (> 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút), run chi, đi loạng choạng, co giật, ói nhiều, thở nhanh, thở mệt, tím tái, lơ mơ, hôn mê...

Không chỉ bệnh tay chân miệng tăng mà các dịch bệnh như sốt xuất huyết và bệnh sởi tiếp tục gia tăng so với những tuần trước đó. Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Thành phố ghi nhận 370 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 20% so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh đạt 94% theo kế hoạch.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh đạt 94% theo kế hoạch.

Còn dịch sởi, Thành phố ghi nhận thêm 111 ca sởi, tăng gần 26% so với trug bình 4 tuần trước đó. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 846 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Về chiến dịch tiêm vaccine sởi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 29/9, tổng số mũi tiêm vaccine sởi tích lũy trên địa bàn thành phố là 202.572 mũi. Trong đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 41.650 mũi (đạt 89,08%), trẻ từ 6 - 10 tuổi là 139.540 mũi (đạt 94,99%). Hiện nay, chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi đạt 94% theo kế hoạch.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tính từ đầu tháng 9 đến nay, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến thăm khám các bệnh như hô hấp, tiêu hóa và nhiễm. Với nhóm bệnh hô hấp thường gặp là bệnh lý viêm mũi họng, viêm amidan và số ít là bệnh viêm phổi. Nhóm bệnh đường tiêu hóa thường gặp là rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng thức ăn. Đối với các bệnh lây nhiễm gồm các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Theo bác sĩ Hải, nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ mắc các bệnh trên là do đây là thời điểm trẻ đi học, tiếp xúc với cộng đồng lớn hơn so với môi trường sinh hoạt trong gia đình; thời tiết mưa nắng thất thường với tần suất mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh. Bên cạnh đó, trẻ chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái học tập, phần lớn trẻ gặp stress, lo lắng, căng thẳng, cùng hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh có thể dễ nhiễm bệnh…

Để giúp trẻ tránh gặp những bệnh lý này, bác sĩ Hải khuyến cáo quý phụ huynh nên tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ các nhóm chất dinh dưỡng; rèn luyện thói quen ngủ sớm và dậy sớm; khuyến khích vận động thay vì xem tivi hay các thiết bị di động khác; nhắc nhở trẻ nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; che miệng và mũi khi ho để tránh lây nhiễm cho người xung quanh; với bệnh nhiễm đã có vaccine phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ tiêm ngừa đầy đủ.

Ngoài ra, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh lý, phụ huynh sớm đưa trẻ đi thăm khám và báo với giáo viên được biết, tránh lây bệnh cho các bạn khác trong lớp.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-gia-tang-ba-loai-dich-benh-truyen-nhiem-o-tre-20241001165216928.htm
Zalo