TP. Hồ Chí Minh: Đại học FPT nói gì khi bị yêu cầu dừng đào tạo tại Khu công nghệ cao?
Đại học FPT cho biết, việc Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh ra văn bản yêu cầu đơn vị này ngừng đào tạo đại học tại khu này là do hiểu nhầm.
Trước đó, Báo Công Thương đã có bài viết: TP. Hồ Chí Minh: Vì sao Đại học FPT trong Khu Công nghệ cao bị yêu cầu ngưng đào tạo đại học?.
Qua đó, thông tin về việc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Phân hiệu Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh ngưng việc đào tạo bậc đại học tại dự án trong Khu Công nghệ cao, ngừng các hoạt động khác tại dự án do không phải là nhà đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.
Đồng thời, Ban Quản lý cũng đề nghị Trường Đại học FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu Phân hiệu Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh trong Khu Công nghệ cao trên các trang thông tin điện tử của Trường Đại học FPT nói riêng và Công ty Cổ phần FPT nói chung.
Liên quan đến thông tin trên, phản hồi đến Báo Công Thương, đại diện Trường Đại học FPT cho biết, đây là sự việc hiểu nhầm và dự án vẫn hoạt động bình thường. Hiện Trường Đại học FPT cũng đang làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để giải quyết.
Cụ thể, đơn vị này cho biết, dự án trong Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được Trường Đại học FPT triển khai từ năm 2013, và giao cho một đơn vị thành viên của Trường là Viện Đào tạo Quốc tế FPT TP. Hồ Chí Minh đứng tên làm chủ đầu tư. “Sau khi công trình được xây dựng và trang bị xong, chủ trương của nhà trường là giao lại để Trường Đại học FPT quản lý vận hành trực tiếp theo nội dung ghi trong Quyết định đầu tư, đồng thời giải thể Viện Đào tạo Quốc tế FPT TP. Hồ Chí Minh”, đại diện Đại học FPT thông tin.
Đại diện Đại học FPT cũng cho biết, quá trình chuyển đổi đơn vị quản lý vận hành đang được tiến hành và chưa hoàn tất. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho rằng việc giải thể Viện Đào tạo Quốc tế FPT trong khi Viện vẫn đứng tên chủ đầu tư là sai sót nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng dự án không có chủ đầu tư nên cần dừng hoạt động để xử lý. Về vấn đề này, Trường Đại học FPT đang làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để giải quyết.
Chủ đầu tư xây dựng dự án này là Viện Đào tạo Quốc tế FPT TP. Hồ Chí Minh chưa giải thể, vẫn hoạt động, và đang có sự hiểu nhầm giữa chủ trương của nhà trường và thực trạng hiện tại. Do đó, dự án vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép, việc điều chỉnh dự án sẽ được nhà trường tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp lý ”, đại diện Trường Đại học FPT phân tích.
Trước đó, ngày 14/6/2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản 761/KCNC-QLDN gửi Trường Đại học FPT về dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT trong Khu Công nghệ cao (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).
Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đánh giá việc đào tạo bậc đại học chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng cho rằng, dự án có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Đầu tư năm 2020. Cùng với đó, dự án cũng không thực hiện báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại điều 2 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về điều kiện ràng buộc.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng không đồng ý việc Phân hiệu Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh sử dụng địa điểm trong Khu Công nghệ cao (địa chỉ Lô E2a-7, Đường D1, phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức) do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1264686683 do Ban Quản lý cấp lần đầu ngày 4/10/2013 và điều chỉnh lần 1 ngày 10/11/2015.
Đồng thời cho biết, việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án để đào tạo sinh viên là không phù hợp với GCNĐKĐT hiện hữu và không phù hợp quy hoạch Khu Công nghệ cao được UBND Thành phố phê duyệt.