TP Hồ Chí Minh: Công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Ngày 1/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thông báo cấu trúc, yêu cầu đánh giá và bảng năng lực, cấp độ tư duy đề tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.
Cụ thể, ở môn Ngữ văn, đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu.
Cấu trúc đề thi được chia làm 2 phần:
Phần 1: Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn (5 điểm) với câu 1 đọc hiểu (3 điểm), câu 2 viết đoạn văn (2 điểm). Phần 2 (5,0 điểm): Đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin và viết bài văn nghị luận xã hội, gồm câu 1 đọc hiểu (1 điểm) và câu 2 viết bài văn nghị luận xã hội (4 điểm).
Phạm vi và định hướng đánh giá ở phần đọc hiểu nguồn trích dẫn: Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; loại văn bản: Văn bản văn học và một trong hai loại: Văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin; tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi không quá 1.300 chữ.
Phần viết: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ). Một trong hai yêu cầu cần đạt sau: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một đoạn thơ. Viết đoạn văn phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.
Viết bài văn đạt một trong hai yêu cầu cần đạt sau: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.
Căn cứ đánh giá: Các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 8 và lớp 9.
Ở môn Toán, phạm vi đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán cấp Trung học cơ sở bao gồm các mạch kiến thức: Hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: Tư duy và lập luận toán học; giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học.
Định hướng đánh giá: Học sinh biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế. Khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt. Nội dung kiểm tra đánh giá nhằm giúp học sinh định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào cấp THPT.
Cấu trúc đề thi có 7 bài:
Bài 1 (1,5 điểm): Cho hàm số y = ax2. Vẽ đồ thị (P) của hàm số trên; tìm những điểm thuộc (P) thỏa điều kiện cho trước.
Bài 2 (1 điểm): Cho phương trình bậc hai ax2 + bx + c = 0. Tìm điều kiện có nghiệm của phương trình; vận dụng hệ thức Viete, tính giá trị biểu thức liên quan đến các nghiệm.
Bài 3 (1,5 điểm): Dạng toán thực tế liên quan đến xác suất, thống kê.
Bài 4 (1 điểm): a) Viết biểu thức A biểu diễn theo một đại lượng x nào đó trong bài toán thực tế. b) Tìm giá trị của x để A thỏa điều kiện nào đó.
Bài 5 (1 điểm): Dạng toán thực tế liên quan đến hình học: Chu vi, diện tích tam giác, tứ giác, độ dài cung tròn, chu vi đường tròn, diện tích hình tròn, hình quạt tròn, hình viên phân, hình vành khăn... Diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích các hình khối trong thực tế...
Bài 6 (1 điểm): Dạng toán thực tế liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn.
Bài 7 (3 điểm): Bài toán hình học phẳng gồm 3 câu: Chứng minh 4 điểm thuộc đường tròn, các yếu tố song song, vuông góc, bằng nhau...; chứng minh hệ thức, các yếu tố bằng nhau, thẳng hàng, đồng quy... ; tính toán độ dài, chu vi, diện tích, số đo góc...
Các yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - môn Toán cấp Trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 8 và lớp 9.
Môn Tiếng Anh: Đánh giá năng lực ngôn ngữ không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng của học sinh; yêu cầu phải đánh giá được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, đặc biệt là các tình huống thực tế cuộc sống.
Thay đổi cách đánh giá cần đồng bộ với việc sử dụng tài liệu giảng dạy phù hợp, thay đổi cách dạy và học tiếng Anh từ sử dụng chủ yếu phương pháp Grammar Translation hay Direct Method sang kết hợp với Communicative Approach và ứng dụng ngôn ngữ vào tình huống thực tiễn. Hướng việc đánh giá vào các kỹ năng ngôn ngữ cụ thể, mục tiêu cụ thể cho từng mạch kiến thức.
Phạm vi đánh giá: Đối với ngữ âm, cách phát âm các nguyên âm và phụ âm cơ bản; cách đặt dấu nhấn từ cho đúng; từ vựng, ngữ pháp; đa dạng các loại hình từ vựng, ngữ nghĩa từ theo khung chương trình.
Các điểm ngữ pháp theo khung chương trình: Giao tiếp, liên hệ tình huống thực tế; khả năng hiểu và đáp lại các tình huống đơn giản của ngôn ngữ thực tế đọc hiểu; đọc văn bản độ dài 180 - 200 chữ và tìm thông tin; đọc và điền khuyết một văn bản độ dài 80 - 100 chữ. Viết đúng hình thức từ để hoàn thành câu có nghĩa phù hợp; viết câu đơn giản dựa trên thông tin cho sẵn; viết câu sử dụng khả năng về cấu trúc ngữ pháp, kết hợp từ.
Cấu trúc đề: Phần 1 (1,0 điểm): Ngữ âm có 4 câu; Phần 2 (3,0 điểm) gồm từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp từ câu 5 đến câu 16. Phần 3 (3,0 điểm): Đọc và điền từ từ câu 17 đến câu 22; đọc hiểu trả lời câu hỏi từ câu 23 đến câu 28. Phần 4 (4,0 điểm): Viết dạng đúng của từ, từ câu 29 đến câu 34; viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn từ câu 35, 36; viết câu từ câu 37 đến câu 40.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh lưu ý có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc chú thích trong tự điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.