TP. Hồ Chí Minh: Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Thông qua Đối thoại hữu nghị, TP. Hồ Chí Minh có cơ hội hợp tác, thúc đẩy đầu tư, liên kết, liên doanh các ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững.
Sáng 24/9, diễn ra “Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”.
35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay… tham dự.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chủ đề của Đối thoại Hữu nghị năm nay "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác", là vấn đề thiết yếu và cấp bách của toàn cầu.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.
Theo ông Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Về khía cạnh nội tại, người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của thành phố. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
Về xu hướng toàn cầu, Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Để ứng phó với những thách thức này, ông Phan Văn Mãi cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước. Đây chính là lý do tại sao hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
“Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới. Tôi tin rằng, thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số, hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững”, Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ.
Hướng tới tương lai, TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, TP. Hồ Chí Minh không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. “Thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng.
Tại Hội nghị Thị trưởng, các đại biểu cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (đối tác công, tài chính, nhân lực…). Đồng thời đánh giá những khó khăn, thách thức của TP. Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với thành phố trong thời gian tới.