TP. Hồ Chí Minh: Chống gian lận hóa đơn điện tử nhìn từ nỗ lực của cơ quan thuế

Ngoài việc chủ động phối hợp với cơ quan công an, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn phối hợp với những cơ quan chức năng liên quan nhận diện và chỉ rõ phương cách cùng các thủ đoạn mà các đối tượng gian lận hóa đơn điện tử thường áp dụng, đặc biệt hành vi thành lập doanh nghiệp ''ma''.

Đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

4 nhóm dấu hiệu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Chia sẻ về tình trạng gian lận hóa đơn điện tử trên địa bàn, một cán bộ thanh tra của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan thuế nhận thấy, các đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn trong việc thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp để có được hóa đơn đầu vào, đầu ra... nhằm mục đích cuối cùng là mua bán hóa đơn. Qua rà soát, cơ quan thuế nhận thấy có 4 nhóm dấu hiệu để nhận biết rõ những doanh nghiệp có hành vi vi phạm này.

Cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương

Trong quá trình rà soát, xử lý các DN thành lập có dấu hiệu mua, bán hóa đơn, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành xác minh, phát hiện nhiều trường hợp DN vẫn treo bảng hiệu nhưng không có bất kỳ hoạt động nào. Có trường hợp, chính quyền địa phương không xác nhận DN không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký, nên việc hoàn tất hồ sơ thông báo những DN này nhằm ngăn chặn việc mua, bán hóa đơn cũng không kịp thời do không có biên bản xác minh của chính quyền địa phương, làm cơ sở xử lý, theo Điều 17, Thông tư 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thứ nhất, đó là nhóm doanh nghiệp vừa thành lập đã thay đổi thông tin đăng ký thuế, làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp nhiều lần để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên chuyển địa điểm đăng ký kinh doanh; được một cá nhân đứng tên thành lập, điều hành cùng lúc nhiều doanh nghiệp; đang tạm ngừng kinh doanh nhưng lại kinh doanh trở lại trước thời hạn; đặt trụ sở ở những văn phòng "ảo" không có trang thiết bị dụng cụ văn phòng, không phát sinh doanh thu… Nhóm doanh nghiệp này thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn (khoảng 1 đến 2 năm) sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động, nhưng không làm thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, mục đích nhằm tránh hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Dấu hiệu nhận diện thứ hai là nhóm doanh nghiệp sử dụng hóa đơn số lượng lớn, trên hóa đơn xuất bán nhiều mặt hàng đa dạng ngành nghề, doanh thu bán hàng lớn. Những doanh nghiệp này mặc dù có doanh thu tăng đột biến so với kỳ trước nhưng không có kho hàng, tài sản cố định, kê khai không phát sinh hoặc phát sinh số thuế phải nộp rất thấp.

Thứ ba là các doanh nghiệp mua bán lòng vòng. Khách hàng thường chỉ là một hoặc một vài doanh nghiệp. Hàng mua bán giao ngay không qua nhập kho. Mặt hàng nhiều hoặc là loại mặt hàng có yếu tố rủi ro.

Thứ tư, nhóm doanh nghiệp có nhiều cửa hàng, có hoạt động kinh doanh bán lẻ nhưng số lượng hóa đơn và doanh số hóa đơn xuất cho khách hàng cá nhân, khách lẻ không tương ứng.

Phải kiểm soát chặt ngay từ khâu thành lập doanh nghiệp

Nhìn chung, tình hình mua, bán hóa đơn điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh khá tinh vi, phức tạp. Để có được quyền sử dụng hóa đơn, các đối tượng thường không đứng tên thành lập doanh nghiệp mà mượn, lợi dụng hoặc thuê giấy tờ tùy thân của người khác, đăng ký sử dụng hóa đơn; sử dụng con dấu để phát hành bán hóa đơn với số lượng lớn trong thời gian dài nhằm che giấu hành vi và đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Để phòng chống, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hiện đã triển khai đến các đơn vị thuộc và trực thuộc nhiều biện pháp đấu tranh nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thành lập doanh nghiệp ''ma'', trong đó có cả việc phối hợp với cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, quản lý việc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn. Văn bản đã gợi mở các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định. Ví dụ, mỗi năm một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp; quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh; ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên… để nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay nhằm hạn chế tiêu cực, thiệt hại.

Liên thông dữ liệu để kiểm soát việc đăng ký thành lập doanh nghiệp

Theo ông Giang Văn Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, đơn vị hiện tại đang phải giải quyết các vụ án một loạt cá nhân mua chứng minh nhân dân, lấy danh nghĩa các doanh nghiệp ngừng kinh doanh, kinh doanh trở lại với mục đích mua, bán hóa đơn làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đây là vấn đề đáng báo động, gây ảnh hưởng đến quản lý trật tự kinh doanh, bởi nếu không kiểm soát tốt thì ngay cả cơ quan công sở khi sử dụng mua, bán, chi tiêu cũng sẽ vướng vào các hóa đơn của các đối tượng mua bán hóa đơn, làm ảnh hưởng đến cán bộ, công chức, hệ thống chính trị địa phương. Thực tế này đòi hỏi các sở cùng phối hợp, có quy chế để quản lý chặt hơn, đồng thời cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép kinh doanh.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát số doanh nghiệp thành lập mới để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ để mua bán hóa đơn, trục lợi từ ngân sách nhà nước. Qua rà soát cho thấy, trên 50% doanh nghiệp đăng ký thành lập trong thời gian ngắn, nhưng sau đó không kinh doanh. Khi kiểm tra thì người đứng tên thành lập phần lớn không phải chủ doanh nghiệp, đã xuất số lượng hóa đơn rất lớn rồi sau đó rời bỏ thị trường, khi cơ quan thuế mời lên làm việc lại không có đủ dữ liệu…

Theo ông Hiển, giải pháp đấu tranh phòng chống hiệu quả là các sở, ngành, cùng phối hợp để xây dựng dữ liệu dùng chung, kiểm soát ngay từ khâu ban đầu thành lập doanh nghiệp. Việc quản lý bằng dữ liệu sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt các doanh nghiệp thực và ảo ngay từ khi đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đăng ký trình căn cước công dân và qua kiểm tra thực tế phải trùng khớp để có cơ sở kiểm soát. Đây cũng là cách để sàng lọc doanh nghiệp có mục đích kinh doanh đúng đắn, có người thành lập rõ ràng, và nắm được doanh nghiệp đó kinh doanh trong lĩnh vực nào dựa trên các dữ liệu đã được liên thông, nên dễ kiểm soát.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-chong-gian-lan-hoa-don-dien-tu-nhin-tu-no-luc-cua-co-quan-thue-165323-165323.html
Zalo