TP. Hồ Chí Minh: Cần tiềm lực đủ mạnh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, phát triển toàn diện tài chính đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia, nhất là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Đặc biệt, đối với mục tiêu phát triển thành Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang rất cần có định chế tài chính có tiềm lực đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu này.

Một góc trung tâm TP.HCM. Ảnh: Sơn Nam

Một góc trung tâm TP.HCM. Ảnh: Sơn Nam

Huy động nguồn lực tổng hợp

Theo Ths. Trần Thị Phương Thanh – Trường Đại học Tài chính Marketing, trong bối cảnh hiện nay đối với riêng TP.HCM, việc phát triển toàn diện tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh tác động khác nhau.

Theo đó, việc phát triển toàn diện tài chính sẽ thúc đẩy quá trình huy động vốn và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế. Thực tế, khi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ tài chính chính thức, nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội sẽ được chuyển hóa thành nguồn lực đầu tư phát triển.

Đặc biệt, việc phát triển toàn diện tài chính góp phần giúp các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức, nhất là những người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Việc được sử dụng các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng với chi phí hợp lý cũng giúp những thành phần yếu thế trong nền kinh tế cải thiện khả năng tài chính. Việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ thúc đẩy đầu tư và đổi mới công nghệ mà còn góp phần tạo việc làm và tăng năng suất lao động.

Mới đây, phát biểu tại lễ công bố quy hoạch và thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, đối với TP.HCM, việc xây dựng và phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc tế là động lực để thành phố bứt phá phát triển về kinh tế.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM được quy hoạch gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP. Thủ Đức.

Theo ông Nên, thời gian qua, TP.HCM đã chủ động từ sớm, chuẩn bị mọi nguồn lực để xây dựng và vận hành trung tâm tài chính. Cùng với đó, thành phố sẽ thu hút nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học, huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Cùng với đó, TP.HCM tiếp tục nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích, thu hút bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, định chế đầu tư, quỹ tài chính phát triển thị trường tài chính tại đây sẽ được đảm bảo an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Thời điểm nay, TP.HCM đang tập trung nhiều giải pháp bố trí nguồn lực, huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Cần có nguồn tài chính đủ mạnh

Một tin vui khởi đầu cho lộ trình phát triển mới, đầu tháng 1/2025, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng. Đây là một trong những giải pháp kịp thời và cần thiết nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn trung, dài hạn, để cho vay và đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội và phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo ông Trương Tuấn Anh - Tổng giám đốc HFIC, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phố nói chung, trong đó có HFIC nói riêng.

Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM. Ảnh: TL

Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM. Ảnh: TL

Cụ thể, HFIC được giữ lại lợi nhuận sau thuế; cho phép bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM để bổ sung tăng vốn điều lệ cho HFIC.

Đồng thời, HFIC cũng được phân công làm đầu mối triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc các lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Những giải pháp trên đã tạo đòn bẩy giúp HIFC tăng cường tiềm lực tài chính; từ đó, mở rộng việc huy động nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng được thành phố giao, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác phát hành trái phiếu chính quyền địa phương…

Theo đó, HFIC cùng tài trợ các dự án thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98/2023 thông qua cơ chế cho vay hợp vốn; hợp tác huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng của thành phố, tham gia đầu tư trái phiếu chính quyền địa phương, giới thiệu trái phiếu của thành phố đến các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính.

Cùng với đó, HFIC nghiên cứu và triển khai các cơ chế tài chính phù hợp, mở rộng cơ hội huy động vốn trên thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, việc thỏa thuận hợp tác dựa trên cơ sở phát huy khả năng, lợi thế của HFIC và các ngân hàng sẽ giúp tạo cú huých để mở ra nhiều không gian phát triển mới của thành phố.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 10%. Muốn như vậy, thành phố cần nguồn vốn đầu tư khoảng 620.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ mới bố trí tổng vốn đầu tư công là 110.000 tỷ đồng và cần huy động thêm 510.000 tỷ đồng.

Do vậy, sự hợp tác giữa HFIC và các ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.

TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hoàn thiện cơ chế chính sách và đảm bảo bố trí đủ nguồn lực vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất. Theo đó, HFIC làm đầu mối, kết nối các ngân hàng nghiên cứu, tham mưu đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu xếp vốn cho các dự án hạ tầng của thành phố tại các đề án, chương trình trọng điểm.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-can-tiem-luc-du-manh-de-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-168746.html
Zalo