TP Hồ Chí Minh bứt phá từ lĩnh vực công nghệ cao và các cực tăng trưởng mới

Mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra là đến năm 2045 đất nước sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Điều này đồng nghĩa với mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) sẽ đạt 15.000 USD/năm trở lên. Tuy nhiên, năm 2024 vừa qua GDP bình quân của cả nước mới chỉ dừng lại ở mức gần 5.000 USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ đã “chốt” con số GDP đạt 7.500 USD vào năm 2030. Trước các yêu cầu này, nhiều địa phương đang tập trung khai thác thế mạnh từ những ngành kinh tế mang tính đột phá để thúc đẩy tăng trưởng…

Là đầu tàu về phát triển kinh tế với năng suất lao động gấp 2,6 lần cả nước, đóng góp vào GDP khoảng 22%, đóng góp trên dưới 1/4 tổng thu ngân sách của cả nước hàng năm trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% và diện tích chiếm tỷ lệ 0,6% của cả nước… Song, nếu như giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh cao gấp 1,65 lần cả nước, thì đến năm 2011 con số này giảm chỉ còn 1,17 lần. Do đó, ngay từ năm 2012, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết yêu cầu TP Hồ Chí Minh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tăng gấp 1,5 lần cả nước. Nhưng thực tế đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP Hồ Chí Minh cũng chỉ cao hơn cả nước 1,2 lần.

Phát triển đô thị thấp tầng ở khu trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Phát triển đô thị thấp tầng ở khu trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Nhiều năm cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố trăn trở tìm hướng tạo đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, trong hơn chục năm trở lại đây, tăng trưởng mạnh mẽ nhất là ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông. Vào những năm 2000, khi thành phố bắt đầu đặt vấn đề phát triển CNTT, ngành này chỉ chiếm 0,5% tổng sản phẩm nên không được coi là ngành công nghiệp quan trọng. Nhưng sau 20 năm, ngành CNTT đã có bước phát triển vượt bậc với mức tăng 400 lần, tương ứng với tỷ lệ đóng góp cho kinh tế cả nước từ 0,5% tăng lên 14,3%. Từ kết quả trên, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng không có ngành kinh tế nào có mức tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Điều đặc biệt là nếu như mức vốn đầu tư bình quân cho 1 lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ lĩnh vực nông nghiệp) trên cả nước trong 20 năm qua cũng chỉ vào khoảng 4.300 USD/lao động. Nhưng với ngành CNTT, truyền thông, điện tử, mức vốn đầu tư lên đến 20.000 USD/lao động, tức cao gấp 4,65 lần và năng suất cũng tăng lên 7,6 lần.

Thực tế đã chứng minh, Khu công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh sau hơn 20 năm hình thành, đến năm 2024 vừa qua đã thu hút hơn 12,1 tỷ USD vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong năm 2024, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại đây đã đạt hơn 20 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩn công nghệ cao đạt trên 19 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng với 2 con số so với một năm trước đó. Chỉ với vài chục nghìn lao động đang làm việc tại Khu công nghệ cao, suất đầu tư bình quân cho một lao động tại đây đã ở mức trên 100.000 USD. Từ cách tiếp cận này, TP Hồ Chí Minh đã quyết định đưa hạ tầng liên quan đến công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tại TP Thủ Đức, gồm Khu công nghệ cao sẽ được mở rộng trong giai đoạn 2, Đại học Quốc gia, xây dựng Công viên phần mềm lớn nhất nước, phát triển Trung tâm siêu máy tính… làm trụ cột tăng trưởng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tiếp tục là động lực để lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này của TP Hồ Chí Minh tăng tốc, tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Nhất là khi hạ tầng công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh hiện còn có Công viên phần mềm Quang Trung và Đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu công nghiệp (KCN), gồm: KCN Tân Bình, Tân Thuận, Bình Chiểu, Cát Lái, Hiệp Phước theo định hướng thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Với chủ trương này, Viettel đã xây dựng Trung tâm dữ liệu tại KCN Tân Phú Trung với tổng vốn đầu tư lên đến 14,7 nghìn tỷ đồng. Cuối năm ngoái, Saigontel cũng đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm dữ liệu tại đây. Tại KCN Hiệp Phước, Smart Tech Group Vietnam cũng đề xuất TP Hồ Chí Minh việc đầu tư nhà máy sản xuất pin với số vốn đầu tư 550 - 850 triệu USD…

Tạo sức bật để kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng nhanh những năm sắp tới còn có Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Ngày 4/1 vừa qua, Chính phủ đã công bố Nghị quyết về kế hoạch hành động triển khai đề án này.

Chuyên gia tư vấn đầu tư Huỳnh Thị Kim Thanh cho rằng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức đang là một điểm sáng với các dự án kết nối hạ tầng quan trọng như cầu Thủ Thiêm 1, 2, hầm Thủ Thiêm. Trong tương lai, khu vực này sẽ có thêm cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 3 nối sang quận 4 và cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7. Tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 cũng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho khu vực này. Dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ với diện tích 2.870 ha, một trong những khu đô thị ven biển lớn nhất cả nước được dự kiến khởi động trong năm nay cùng với Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với mức đầu từ 4,8 tỷ USD cũng là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan điểm “Khu trung tâm hiện hữu, gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh không còn dư địa để phát triển” là chưa chuẩn xác. Bởi thông qua quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phân khu phù hợp, TP Hồ Chí Minh vẫn hoàn toàn có thể thực hiện các dự án “chỉnh trang tái phát triển đô thị” đối với các khu vực đô thị hiện hữu để từ đó tạo ra giá trị kinh tế tổng hợp rất lớn. Nhất là khi TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó nhà ở riêng lẻ, thấp tầng vẫn chiếm đến 88%. Đồng thời, diện tích nhà ở bình quân mới chỉ đạt 20,6m2/người, thấp hơn rất nhiều so với mức 24m2/người của cả nước.

Tuy đã có nhiều cải thiện nhưng xu thế phát triển đô thị tại thành phố vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang - thấp tầng”, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu về đô thị hóa và phát triển đô thị; chưa đảm bảo được nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường; chưa thực hiện được yêu cầu phát triển nhà ở “chủ yếu là phát triển nhà chung cư”; chưa hình thành được nhiều đô thị vệ tinh có mật độ dân số tập trung... nên với thực trạng hiện nay, thành phố sẽ khó kết nối hạ tầng, đặc biệt là kết nối hệ thống giao thông có sức chở lớn và cũng khó thực hiện hiệu quả việc tái bố trí dân cư. Đây cũng là vấn đề cần được TP Hồ Chí Minh quan tâm để tạo động lực đưa kinh tế thành phố tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ trong những năm sắp tới.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tp-ho-chi-minh-but-pha-tu-linh-vuc-cong-nghe-cao-va-cac-cuc-tang-truong-moi-i758176/
Zalo