TP Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm có 31 vụ nhảy cầu tự tử

Trong 31 vụ nhảy sông tự tử từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Hồ Chí Minh cứu sống được 1 trường hợp.

Chiều 11/7, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì buổi họp thông tin tình hình kinh tế - xã hội của TP tại Trung tâm Báo chí.

Nhiều vấn đề dư luận quan tâm được ông Phạm Đức Hải cho biết như: bệnh bạch hầu; sáp nhập phường, xã; có hay không tình trạng té nước theo mưa khi lương tăng từ ngày 1/7; tình hình an ninh trật tự tại TP…

Đối với tình hình an ninh trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP tiếp nhận thông tin 31 trường hợp liên quan đến nhảy cầu tự tử, và đã cứu sống được 1 trường hợp.

Nguyên nhân nhảy cầu tự tử có nhiều, như: buồn chuyện gia đình; bế tắc trong tình cảm; áp lực trong học tập, thi cử, trong kinh doanh; bị trầm cảm.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 31 trường hợp nhảy cầu tự tử, cứu sống được 1 người.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 31 trường hợp nhảy cầu tự tử, cứu sống được 1 người.

“Do đó, để ngăn chặn tình trạng nhảy cầu tự tử, cần đẩy mạnh công tác tư vấn sức khỏe tâm thần cho người dân; nên khảo sát lắp đặt rào chắn 2 bên lan can cầu; thành lập các đội tình nguyện trên sông; trong cuộc sống hàng ngày giữa hàng xóm và bạn bè, cần quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau… để từ đó phát hiện và ngăn chặn kịp thời”- Thượng tá Lê Mạnh Hà đưa ra khuyến cáo.

Đối với công tác cấp căn cước công dân (CCCD) định danh, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thống kê của Công an TP cho thấy, từ ngày 1/7 đến 9/7, tiếp nhận và cấp mới CCCD định danh cho 31.418 trường hợp. Trong đó, có 25.707 trường hợp từ 14 tuổi trở lên. Hiện nay, có những khó khăn, áp lực nhưng Công an TP vẫn tập trung lực lượng nhằm chủ động có những giải pháp thực hiện. Cái khó nhất hiện nay là việc điều chỉnh địa giới hành chính, nên công an phải cập nhật thông tin trên 11 triệu nhân khẩu của TP.

Đinh do "đinh tặc" rải được Đội tình nguyện hút đinh An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) hút quanh khu vực cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Đinh do "đinh tặc" rải được Đội tình nguyện hút đinh An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) hút quanh khu vực cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Về vấn nạn “đinh tặc” tái diễn ở quận 12 và TP Thủ Đức, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP đã chỉ đạo công an các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai các đội nghiệp vụ tiến hành theo dõi, rà soát nhằm phát hiện “đinh tặc” để xử lý. Công an TP đưa ra 4 nhóm giải pháp thực hiện: tăng cường tuyên truyền về hậu quả của các hành vi nguy hiểm (rải đinh, vật nhọn); tuyên truyền để người dân phát hiện và cung cấp kịp thời cho công an địa phương khi phát hiện “đinh tặc”; chỉ đạo cảnh sát giao thông ghi nhận, tuần tra kiểm soát, phát hiện “đinh tặc” để xử lý; chỉ đạo công an các địa phương tham mưu lập các đội tình nguyện hút đinh, vá và sửa xe; rà soát lập danh sách các điểm vá, sửa xe có dấu hiệu nghi vấn…

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm là căn bệnh bạch hầu, cũng được ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) chia sẻ thông tin với báo chí.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, lây lan nhanh, có khả năng tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay đã có đầy đủ vaccine đặc hiệu để phòng ngừa căn bệnh này.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC khẳng định không nên quá hoang mang trước căn bệnh bạch hầu.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC khẳng định không nên quá hoang mang trước căn bệnh bạch hầu.

Đối với người bị bệnh bạch hầu, thường có một số triệu chứng, như: cổ họng đóng mạc trắng, cổ họng đau, sốt, khó thở, mệt mỏi… những mạc trắng trong cổ họng dẫn đến bít đường thở, biến chứng suy tim có thể dẫn đến tử vong.

Từ lâu, bệnh bạch hầu đã nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (trẻ tiêm 3 mủi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng). Do đó, cần hiểu đúng để phòng chống, nhưng cũng không nên quá lo lắng hay hoang mang về bệnh bạch hầu, vì hiện có một số tin đồn trên mạng xã hội cho rằng bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến thời điểm này tại TP chưa có ca nào, ca bạch hầu được phát hiện thời gian gần đây nhất là vào năm 2020, bệnh nhân từ nơi khác vào.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng đưa ra khuyến cáo đối với người dân: cần tiêm vaccine đầy đủ, người lớn nếu cần thiết thì đi tiêm nhắc (tiêm dịch vụ, không miễn phí như trẻ em). Có nhiều loại vaccine phối hợp 3 trong 1; 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày cần vệ sinh mũi, họng, tay, chân; vệ sinh trong ăn uống; vệ sinh nhà cửa (cần luôn thông thoáng) vì vi khuẩn bạch hầu rất dễ chết khi gặp ánh sáng mặt trời. Khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ bệnh bạch hầu, cần đến cơ quan y tế để khám kịp thời. Do căn bệnh này rất dễ lây nên ai bị đều phải cách ly.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-6-thang-dau-nam-co-31-vu-nhay-cau-tu-tu.html
Zalo