TP.HCM xây Khu đô thị lấn biển rộng hơn 2.800 ha ở Cần Giờ
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ dự kiến có quy mô dân số tối đa khoảng 228.560 người, với khả năng đón tiếp hơn 8,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, một dự án quy mô lớn và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của thành phố.
TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành các thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho dự án trước ngày 30/4/2025, để có thể khởi động đầu tư theo quy định. UBND thành phố giao cho Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ chịu trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, trình các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt theo đúng tiến độ đề ra.
Quá trình quy hoạch đòi hỏi phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân nhằm đảm bảo giải pháp quy hoạch tối ưu và khả thi nhất.
TP.HCM cũng nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế và xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, nhằm chống xói lở, đồng thời góp phần tạo cảnh quan đẹp mắt và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ dự kiến có quy mô dân số tối đa khoảng 228.560 người, với khả năng đón tiếp hơn 8,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Phạm vi quy hoạch bao phủ diện tích 2.870 ha, trải dài trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, chia thành 5 phân khu chức năng: A, B, C, D và E.
Phân khu A (953,23 ha): Là khu đô thị sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch, đóng vai trò cửa ngõ cho toàn khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Phân khu B (659,87 ha): Tập trung các khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở và các công trình dịch vụ - công cộng như y tế, giáo dục, thương mại, cùng nhiều không gian xanh và hạ tầng kỹ thuật.
Phân khu C (318,32 ha): Là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, kết hợp với bến cảng và các khu nhà ở hiện đại như nhà liên kế, biệt thự, nhà cao tầng.
Phân khu D (480,46 ha): Khu vực thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp đô thị hiện đại.
Phân khu E (458,12 ha): Chủ yếu là mặt nước, kênh dẫn, cây xanh.UBND TP.HCM cũng đặc biệt yêu cầu các phân khu phải mang đậm dấu ấn cảnh quan sông nước, phản ánh đặc trưng của hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ. Các mô hình nhà ở cần được thiết kế hài hòa với không gian sông nước và sinh thái ven biển.
Thành phố còn yêu cầu bố trí hợp lý các trạm xe buýt gần các khu vực công cộng và bãi đậu xe. Các khu vực lánh nạn để ứng phó với thiên tai biển cũng phải được xác định rõ trong quy hoạch.
Đồng thời, cần xây dựng phương án kiểm soát mức độ bê tông hóa, duy trì sự cân bằng với thiên nhiên, cải thiện vi khí hậu và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu. Những công trình điểm nhấn trong khu vực sẽ được tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, đảm bảo tính thẩm mỹ và giá trị lâu dài.