TP.HCM xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, TP.HCM đang xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.
Nghị quyết này sẽ áp dụng cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công. Bao gồm các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đất đai. Các chủ đầu tư triển khai nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn tài chính công đoàn.
Các nhà đầu tư được lựa chọn theo pháp luật về đấu thầu hoặc cơ chế thí điểm của Quốc hội trong trường hợp khu đất chưa hoàn tất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Việc hỗ trợ tài chính sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc minh bạch và kiểm soát chặt chẽ. Đối với kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư chỉ được hỗ trợ sau khi hoàn tất nghiệm thu, kiểm toán và được cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định. Các khoản hỗ trợ không được tính vào giá bán, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội có tên thương mại là Phú Thọ DMC (quận 10, TP.HCM) đã cơ bản xây dựng xong phần khung.
Về điều kiện, dự án phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư kể từ ngày 1/8/2024 trở đi – thời điểm Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 chính thức có hiệu lực. Những dự án đã được phê duyệt trước thời điểm này nhưng chưa có giấy phép xây dựng sẽ được hỗ trợ nếu được cấp phép sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.
Phương thức hỗ trợ dựa trên kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn xây dựng. Kinh phí sẽ được bố trí từ ngân sách chi thường xuyên của địa phương. Việc thanh toán và quyết toán thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở xã hội, bao gồm: giao thông, chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải và chất thải rắn.
Hỗ trợ toàn bộ phí và lệ phí liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng, như: thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được trích từ ngân sách chi thường xuyên của TP.HCM. Sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ căn cứ vào chức năng và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Dự kiến, Nghị quyết sẽ được trình thông qua tại kỳ họp chuyên đề tiếp theo của Hội đồng nhân dân Thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021–2026.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, giai đoạn từ năm 2021 đến hết Quý I/2025, thành phố đã hoàn thành xây dựng 6 dự án với tổng quy mô 2.745 căn hộ. Hiện có 4 dự án đang trong giai đoạn thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 với tổng cộng 2.874 căn hộ. Song song đó, TP.HCM đang tiếp tục triển khai thủ tục pháp lý cho 21 dự án khác, quy mô khoảng 40.000 căn hộ.
Để đáp ứng chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2025, TP.HCM đã đăng ký với Bộ Xây dựng kế hoạch gồm: hoàn thành 3 dự án với 2.316 căn hộ; khởi công 8 dự án với khoảng 8.000 căn hộ; đồng thời, có 5 dự án dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 20.000 căn hộ.
Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao là xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến đề xuất UBND Thành phố triển khai các giải pháp trọng tâm như thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án nhà ở xã hội ngay sau khi các văn bản này được ban hành.
Phối hợp xây dựng các đề án, chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù, tận dụng nguồn lực tổng thể của các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phát triển nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; hợp tác với Liên đoàn Lao động để phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn công đoàn; phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng lương ngân sách như cán bộ công chức, bác sĩ, giáo viên, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao...
Ngoài ra còn có nhà lưu trú cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như nhà ở xã hội cho các cư dân sống trên và ven các con rạch.
Tham mưu ban hành Nghị quyết hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách Thành phố theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở.
Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội TP.HCM do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban, nhằm tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án trong năm 2025, ưu tiên những dự án quy mô lớn trên 1.000 căn để triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Theo kế hoạch, TP.HCM dự kiến chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng cộng khoảng 20.000 căn hộ; tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho 8 khu đất do Nhà nước quản lý với tổng quy mô khoảng 10.000 căn; đồng thời thúc đẩy khởi công 8 dự án mới với quy mô 8.000 căn hộ.