TP.HCM: Văn hóa nhanh chóng vào guồng chuyển đổi số

TP.HCM đang chạy đua với thời gian đưa văn hóa vào guồng chuyển đổi số, từ bảo tàng, thư viện đến sự kiện cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị di sản bằng công nghệ và dữ liệu thông minh.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa tại TP.HCM không còn là khẩu hiệu mà đã hiện diện trong đời sống hằng ngày của người dân. Từ bảo tàng, thư viện, nhà hát cho đến các thiết chế văn hóa cơ sở, công nghệ đang dần len lỏi, thay đổi cách vận hành, tiếp cận và tương tác. Điều này không chỉ giúp bảo tồn giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hóa mà còn mở ra hướng phát triển mới: chủ động, linh hoạt, dữ liệu hóa và gần gũi hơn với công chúng trẻ.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM là một trong những bảo tàng số hóa đầu tiên của TP.HCM - Ảnh: Thiên Hợp

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM là một trong những bảo tàng số hóa đầu tiên của TP.HCM - Ảnh: Thiên Hợp

TP.HCM vốn được xem là nơi tiên phong trong công nghệ và sáng tạo, nhưng văn hóa - với tính chất bảo tồn, truyền thống - đang là lĩnh vực ít được kỳ vọng về tốc độ chuyển đổi. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Việc số hóa ngành văn hóa không những khả thi, mà còn là điều kiện để thành phố tiến đến hình mẫu của một đô thị thông minh có bản sắc.

Công nghệ định hình không gian văn hóa mới

Trong bối cảnh di sản văn hóa có nguy cơ mai một hoặc trở nên xa rời công chúng trẻ, TP.HCM đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị theo hướng số hóa. Điển hình là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nơi hàng chục nghìn hiện vật quý hiếm đã được số hóa bằng công nghệ 3D, giúp khách tham quan tra cứu thông tin qua mã QR và trải nghiệm không gian bảo tàng ảo bằng điện thoại.

Còn tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, màn hình cảm ứng và thiết bị AR cho phép người xem khám phá các lớp phác họa ẩn dưới tranh sơn dầu hoặc xem quy trình sáng tác qua video tương tác. Không gian trưng bày trở nên sinh động, không chỉ thu hút du khách quốc tế mà còn khơi gợi hứng thú học hỏi nơi giới trẻ.

Công nghệ số hóa tại các bảo tàng ở TP.HCM mang đến giới trẻ những trải nghiệm chân thực - Ảnh: Thiên Hợp

Công nghệ số hóa tại các bảo tàng ở TP.HCM mang đến giới trẻ những trải nghiệm chân thực - Ảnh: Thiên Hợp

Nhiều địa điểm lịch sử như lăng Lê Văn Duyệt, chùa Giác Lâm, dinh Độc Lập cũng bắt đầu thử nghiệm bản đồ số, mã QR, thuyết minh tự động để giúp khách tự do khám phá theo nhu cầu và ngôn ngữ lựa chọn. Không gian di sản giờ đây không chỉ để ngắm nhìn, mà còn để tương tác, lưu giữ và chia sẻ.

Các nhà hát như HBSO hay Trần Hữu Trang cũng số hóa kho lưu trữ biểu diễn, mở rộng kênh tiếp cận qua nền tảng trực tuyến. Những bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương vì thế đang tiếp cận khán giả mới, trẻ hơn, sống động hơn và vượt khỏi ranh giới địa lý.

Văn hóa đọc bước vào nền tảng số

Không gian đọc sách truyền thống đang dần được thay thế bằng hệ sinh thái đọc mở rộng. Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM là một trong những đơn vị đi đầu, với hơn 30.000 đầu sách và tài liệu quý hiếm đã được số hóa. Cổng thư viện điện tử ghi nhận hơn 3 triệu lượt truy cập mỗi năm, trong đó phần lớn là bạn đọc ở độ tuổi 18 - 35.

Ngày Sách và văn hóa đọc tại TP.HCM hằng năm đã mang đến khu trải nghiệm thực tế ảo cho công chúng như đeo kính VR để dạo quanh thư viện hiếm, giao lưu tác giả qua màn hình 3D, tải sách về máy qua QR code.

Lễ hội Đường sách tết 2024 tại TP.HCM kết hợp giữa truyền thống và công nghệ

Lễ hội Đường sách tết 2024 tại TP.HCM kết hợp giữa truyền thống và công nghệ

Nhiều trường học, đặc biệt tại TP.Thủ Đức và Q.1, đã tích hợp thư viện số vào chương trình giảng dạy. Thay vì phải ra thư viện mượn sách giấy, học sinh chỉ cần quét mã QR hoặc truy cập app để tra cứu kho tài liệu, sách kỹ năng sống hay văn học thiếu nhi.

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đình Thắng nhận định: “TP.HCM sẽ tập trung xây dựng dữ liệu số để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, dữ liệu không chỉ là công cụ quản lý mà còn là cây cầu kết nối tri thức với cộng đồng”.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sử dụng công nghệ 3D để tương tác với khách tham quan

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sử dụng công nghệ 3D để tương tác với khách tham quan

Không chỉ dừng ở cấp công lập, các nhà xuất bản cũng gia nhập cuộc chơi số hóa. NXB Trẻ đã phát hành hơn 800 đầu sách điện tử thông qua nền tảng Sbooks. NXB Tổng hợp TP.HCM hợp tác với startup công nghệ để đưa sách chính trị, giáo dục, thiếu nhi lên nền tảng kỹ thuật số. Song song đó, các ứng dụng như Voiz FM, Fonos, Waka tạo nên làn sóng nghe sách mạnh mẽ, thu hút lớp công dân trẻ bận rộn nhưng vẫn muốn duy trì thói quen tiếp cận tri thức.

TP.HCM cũng đang xây dựng bản đồ đọc sách trực tuyến, cho phép người dân tra cứu tủ sách cộng đồng, quán cà phê sách, thư viện học đường gần nhất, giúp lan tỏa không gian văn hóa đọc ra cả những nơi không có bốn bức tường.

Khi lễ hội và sự kiện văn hóa chuyển mình số

Sự kiện Lễ hội Áo dài TP.HCM thường niên là một ví dụ cho thấy sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ. Ngoài sân khấu chính tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, toàn bộ chương trình được livestream đồng thời trên các nền tảng mạng xã hội, bản đồ sự kiện có thể tra cứu bằng điện thoại, ki ốt cảm ứng cung cấp thông tin theo thời gian thực.

Lễ hội Áo dài TP.HCM kết hợp truyền thống và công nghệ

Lễ hội Áo dài TP.HCM kết hợp truyền thống và công nghệ

Tại các triển lãm mỹ thuật gần đây, người xem không chỉ đứng trước tranh, mà còn được chạm vào lịch sử bằng thao tác vuốt chạm trên màn hình, chia sẻ tác phẩm lên mạng xã hội, lưu lại lộ trình tham quan hoặc hẹn lịch quay lại. Không gian triển lãm, nhờ đó, trở nên mở đầy linh hoạt, đa chiều.

Nghệ thuật cải lương truyền thống xưa nay thường được gắn với phông màn trên sân khấu để phục vụ trực tiếp cho khán giả nay đã từng bước được đưa lên nền tảng số. Các vở diễn được phát trực tiếp Youtube, và nền OTT giúp cộng đồng kiều bào xa xứ kết nối với bản sắc, trong khi người trẻ trong nước có thể khám phá nghệ thuật truyền thống theo cách tiếp cận gần gũi hơn.

Dữ liệu văn hóa, nền tảng cho đô thị thông minh

Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, TP.HCM xác định văn hóa không thể đi sau mà phải trở thành một trụ cột song hành. Hạ tầng văn hóa số được triển khai đồng bộ: bản đồ số các thiết chế văn hóa phủ toàn thành phố, hệ thống tra cứu sự kiện thông minh, tích hợp AI gợi ý chương trình theo độ tuổi và sở thích.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “TP.HCM xác định dữ liệu là tài nguyên, là tài sản. Muốn chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ việc số hóa toàn bộ hệ thống dữ liệu trong đó có dữ liệu văn hóa”.

Thành phố cũng xúc tiến xây dựng Trung tâm Dữ liệu văn hóa số (Cultural Open Data Hub), nơi lưu trữ mở các tài liệu, hình ảnh, bản đồ, phim tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo. Một số đơn vị xã hội hóa còn được hỗ trợ phát triển nền tảng truyền hình văn hóa trực tuyến - nơi cải lương, dân ca, trò chơi dân gian được lên sóng định kỳ.

Dùng robot thuyết minh hiện vật tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho cho học sinh nghe

Dùng robot thuyết minh hiện vật tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho cho học sinh nghe

Không chỉ cơ quan nhà nước, các nhóm khởi nghiệp trẻ được khuyến khích sáng tạo ứng dụng giáo dục lịch sử, trò chơi dân gian số, công cụ khám phá di sản bằng AR/VR… giúp thế hệ mới tiếp cận truyền thống bằng chính ngôn ngữ công nghệ hiện đại.

Thách thức không nhỏ, nhưng không thể chậm trễ

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số trong văn hóa ở TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Một số đơn vị cơ sở thiếu thiết bị, thiếu nhân lực công nghệ, dữ liệu còn phân tán, chưa liên thông. Không ít cán bộ vẫn xem đây là “việc thêm” thay vì “nhiệm vụ chính”.

Song nếu không chuyển mình, ngành văn hóa có thể bị tụt lại ngay trong chính cộng đồng mình, nơi mà hành vi tiếp nhận, chia sẻ và cảm thụ đang thay đổi từng ngày.

Có thể nói, TP.HCM đã có bước khởi đầu đáng kể và đang giữ vững nhịp chuyển đổi, từng bước tháo gỡ rào cản thể chế, tăng cường kết nối liên ngành và khơi thông sức sáng tạo từ cả khối công và tư.

Công nghệ có thể làm thay đổi cách con người tiếp cận văn hóa, nhưng chính con người mới là nhân tố quyết định để chuyển đổi số trở thành dòng chảy sống động trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là một chương trình kỹ thuật. TP.HCM đang đặt những viên gạch đầu tiên cho một không gian văn hóa tương lai rất linh hoạt, đa dạng và gắn kết.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-van-hoa-nhanh-chong-vao-guong-chuyen-doi-so-231747.html
Zalo