TP.HCM và Đồng Nai thống nhất xây dựng 3 cây cầu chiến lược, thúc đẩy hạ tầng và bất động sản khu vực phía Đông

Ngày 25/4/2025, tại buổi làm việc giữa UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất chủ trương triển khai đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt sông Đồng Nai, bao gồm: cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2. Đây được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản khu vực phía Đông TP.HCM.

Trong số 3 dự án, cầu Cát Lái được xác định là hạng mục cấp bách nhất. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đề nghị TP.HCM chủ động bố trí nguồn ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng phía thành phố, đồng thời điều chỉnh tuyến đường Nguyễn Thị Định (đoạn 336m sát bờ sông Đồng Nai) để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thiết kế cầu dây văng.

Về phía Đồng Nai, tỉnh cam kết sẽ bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (BOT). Cả 2 địa phương đặt mục tiêu khởi công dự án cầu Cát Lái vào cuối năm 2025.

Dự án này nhằm thay thế bến phà Cát Lái hiện hữu, tạo tuyến kết nối liên vùng quan trọng giữa TP.HCM và Đồng Nai, đồng thời góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 19.391 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư công (giải phóng mặt bằng và tuyến đường nối) khoảng 10.357 tỷ đồng, phần đầu tư PPP theo hợp đồng BOT khoảng 9.034 tỷ đồng.

Đối với cầu Đồng Nai 2, dự án được thiết kế nhằm kết nối chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai như Long Hưng, Aqua City, khu đô thị Golf Long Thành và Amata, cũng như các đô thị tại TP. Thủ Đức. Dự án chia làm 3 thành phần:

Thành phần 1: Đầu tư đoạn đường nối từ nút giao Gò Công đến sông Đồng Nai (5,4km), quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng do TP.HCM thực hiện.

Thành phần 2: Xây dựng cầu Đồng Nai 2, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, kinh phí ước khoảng 3.500 tỷ đồng do tỉnh Đồng Nai triển khai theo hình thức PPP có vốn ngân sách tỉnh.

Thành phần 3: Đầu tư đoạn đường nối từ sông Đồng Nai đến Quốc lộ 51 (6km), kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng do tỉnh Đồng Nai đảm nhiệm.

Về cầu Phú Mỹ 2, dự án nhằm hình thành trục giao thông mới giữa hai địa phương, giảm tải cho cầu Phú Mỹ hiện hữu và kết nối đồng bộ với các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3 của TP.HCM và đường 25C của Đồng Nai. Dự án cũng được chia thành 3 thành phần:

Thành phần 1: Đầu tư đường nối từ Nguyễn Hữu Thọ đến sông Nhà Bè (3km), tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng do TP.HCM thực hiện.

Thành phần 2: Xây dựng cầu Phú Mỹ 2 với tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư.

Thành phần 3: Đầu tư đoạn đường nối từ sông Nhà Bè đến đường 25C (7,2km), kinh phí 2.500 tỷ đồng do tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Cả 2 địa phương dự kiến triển khai các dự án cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 trong năm 2026, sau khi hoàn tất các công tác rà soát, cập nhật quy hoạch và cân đối nguồn vốn.

Bên cạnh các dự án cầu, Đồng Nai và TP.HCM cũng đẩy mạnh nghiên cứu kéo dài tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên sang địa phận Đồng Nai và Bình Dương, phấn đấu khởi công đầu năm 2026.

Ngoài ra, Đồng Nai đề xuất TP.HCM làm chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị kết nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Văn Hùng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-va-dong-nai-thong-nhat-xay-dung-3-cay-cau-chien-luoc-thuc-day-ha-tang-va-bat-dong-san-khu-vuc-phia-dong-317488.html
Zalo