TP.HCM tồn kho hơn 54.000 bất động sản nhà ở
Theo HoREA, TP.HCM đang đối mặt hơn 54.000 sản phẩm nhà ở tồn kho, chủ yếu do vướng mắc pháp lý. Điều này đã làm tăng giá nhà và giảm cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.
Theo báo cáo thị trường bất động sản 11 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 8 năm qua, TP.HCM có 138 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế chỉ có 52 dự án được triển khai xây dựng, với quy mô 35.556 căn hộ và hơn 6.000 căn nhà thấp tầng.
Điều này đồng nghĩa với việc TP còn 86 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa khởi công hoặc đang tạm ngừng thi công (dự án tồn kho).
Trong số đó, có 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, trên diện tích đất hơn 210 ha. Còn lại 56 dự án chưa khởi công, với quy mô 32.375 căn nhà trên hơn 754 ha đất. Một số dự án như Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A (quận Bình Tân), diện tích gần 330 ha, hiện vẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng.
"Như vậy, tổng cộng TP.HCM đang có hơn 54.000 sản phẩm nhà ở tồn kho, bao gồm 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng", số liệu báo cáo của HoREA nêu rõ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, ông cho biết các luật và văn bản mới được ban hành sẽ là cơ sở để tháo gỡ khó khăn, giúp nhiều dự án sớm được giải quyết.
Dù vậy, ông cảnh báo lượng lớn dự án tồn kho thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực như lãng phí tài nguyên đất, vi phạm nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả theo Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, hơn 54.000 sản phẩm nhà ở tồn kho cũng làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, khiến TP.HCM lệch pha cung - cầu, tập trung quá nhiều vào phân khúc cao cấp và thiếu nhà ở bình dân. Điều này đẩy giá nhà tăng cao liên tục, vượt quá khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp.
Ngoài ra, các chủ đầu tư của 86 dự án tồn kho cũng rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mất cơ hội kinh doanh và bị "chôn vốn", trong khi nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội.
Ông Châu dự báo thị trường bất động sản đến năm 2025 vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau khi được gia hạn 2 năm.
Đồng thời, các luật mới về bất động sản cũng cần "độ trễ", do quy trình đầu tư, xây dựng và triển khai dự án thường kéo dài, đặc biệt là từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi được cấp giấy phép xây dựng.
Do đó, để đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho, HoREA đề xuất các cơ quan chức năng ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Cụ thể, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý vướng mắc pháp lý cho các dự án "đắp chiếu" tại TP.HCM.
Đồng thời, ông Châu cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm quý II-III/2025, khi 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn theo Nghị định 08/2023, để đảm bảo ổn định tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn nhưng có khả năng phục hồi.