TP.HCM tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho KOL hoạt động bán hàng trực tuyến
Trước thực trạng gia tăng các sai phạm trong hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là từ những người có ảnh hưởng (KOL), Trung tâm Báo chí TP.HCM đã chủ động phối hợp với Công an TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM, Sở Công Thương, Sở Y tế và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu dành riêng cho nhóm đối tượng này.
Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội chiều ngày 22/5, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho biết: "Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị cho KOL những kiến thức cần thiết về pháp luật thương mại điện tử, an ninh mạng, chống hàng giả, và trách nhiệm khai báo thuế".
Chương trình tập huấn sẽ bao gồm các chuyên đề về quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh qua mạng, kỹ năng nhận diện và ngăn chặn hành vi quảng bá sản phẩm giả mạo, kém chất lượng, cũng như nâng cao nhận thức đạo đức nghề nghiệp trong truyền thông.

Đồng thời, Cục Thuế TP.HCM sẽ trực tiếp hướng dẫn quy trình và nghĩa vụ khai báo thuế đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Lớp đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 13/6, hiện đã thu hút hơn 100 KOL đăng ký tham dự. Trung tâm Báo chí TP.HCM kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho một loạt chương trình đào tạo định kỳ, nhằm xây dựng một cộng đồng KOL hoạt động chuyên nghiệp, có trách nhiệm.
Thực tế thời gian qua, không ít trường hợp KOL, TikToker vướng vào vòng lao lý do vi phạm pháp luật khi quảng bá và kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ khởi tố Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs hay Hoa hậu Thùy Tiên liên quan đến hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả.
Gần đây, toàn bộ sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body của doanh nghiệp do chồng ca sĩ Đoàn Di Băng điều hành cũng bị Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi do công bố sai về chỉ số SPF.
Đáng lưu ý, theo nghiên cứu của Kantar năm 2024, có đến 60% người thuộc thế hệ Z tại Việt Nam (tương đương khoảng 15 triệu người) tin tưởng vào các bài đánh giá sản phẩm từ KOL, KOC trên nền tảng TikTok, và khoảng 40% trong số này từng mua phải hàng hóa kém chất lượng do nội dung quảng bá không trung thực.
Trước xu thế gia tăng tầm ảnh hưởng của KOL trong hành vi tiêu dùng, nhiều chuyên gia nhận định rằng cần siết chặt trách nhiệm pháp lý cũng như chuẩn mực đạo đức của những người có sức ảnh hưởng trên môi trường mạng.
Việc họ tiếp tay cho sản phẩm giả, kém chất lượng hoặc hợp tác với các mô hình kinh doanh trá hình đang làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, và làm tổn hại đến môi trường kinh doanh lành mạnh.