TP HCM: Thí điểm đưa quản lý trật tự xây dựng về địa phương

Từ những bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện mô hình đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, TP HCM xin thí điểm thành lập mô hình mới.

UBND TP HCM vừa có tờ trình dự thảo Nghị quyết thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trước đây, nhằm quản lý công tác trật tự xây dựng, UBND TP HCM cho phép thành lập đội Quản lý trật tự xây dựng quận, huyện từ năm 2001.

Xử lý công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại quận Bình Tân.

Xử lý công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại quận Bình Tân.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 89/2007 cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn tại TP Hà Nội và TP HCM.

Tháng 11-2007, UBND TP HCM ban hành Quyết định 133/2007 về thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và tổ quản lý trật tự đô thị phường, xã, thị trấn.

Đến năm 2013, thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 26/2013 của Chính phủ, lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn chính thức được sắp xếp tổ chức lại và sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM.

Qua 10 năm hoạt động, trên cơ sở đánh giá các mặt đã đạt được và những mặt chưa đạt được trong quá trình thực hiện, UBND TP HCM rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường lòng, lề đường.

Trong đó, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương còn phức tạp, do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn còn hạn chế.

Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội Thanh tra địa bàn quận, huyện với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Công tác phối hợp giữa lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn có lúc chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin trong xử lý công trình vi phạm. Đơn cử là có trường hợp 1 công trình vi phạm nhưng đến 2 đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính cho cùng 1 hành vi.

Tại UBND phường, xã, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép chỉ có 1 cán bộ địa chính đảm nhiệm nhưng khối lượng công việc khá lớn. Từ năm 2014 đến năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép trên địa bàn thành phố là 8.551 công trình, chiếm 71% tổng số công trình vi phạm trên toàn thành phố.

Theo UBND TP HCM, từ các quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn và khó khăn trong quản lý, việc thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, quản lý tốt hơn trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị và vệ sinh môi trường lòng, lề đường đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay.

Về biên chế, tiếp nhận nguyên trạng biên chế của đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và biên chế công chức thực hiện chức năng trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng của phòng quản lý đô thị thuộc UBND các quận, huyện.

Theo UBND TP HCM, trong quá trình hoạt động, biên chế lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng lớn nhưng lại bố trí phân tán, số lượng người tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 22 đội thanh tra địa bàn quận, huyện khác nhau dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời, còn hạn chế; các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều.

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-thi-diem-dua-quan-ly-trat-tu-xay-dung-ve-dia-phuong-196241026113828426.htm
Zalo