TP.HCM tăng tốc hồi sinh dự án 'treo'

Tại TP.HCM, nhiều dự án 'treo' đang được tăng tốc tháo gỡ vướng mắc để nhanh chóng triển khai trở lại và đưa sản phẩm ra thị trường đón sóng hồi phục.

Dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte đang được đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Lê Toàn.

Dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte đang được đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Lê Toàn.

Đốc thúc tìm nhà đầu tư

Khu Mả Lạng, hay còn gọi là Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1) nằm trên 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh đang được kỳ vọng sớm “thay da, đổi thịt” sau hàng chục năm “sống treo”. Nơi này trước kia là nghĩa địa, sau đó được Thành phố cho di dời, từ đó nhiều người đến sống và trở thành khu dân cư ở trung tâm thành phố, nhưng nhếch nhác.

Năm 2000, UBND Thành phố đã có chủ trương giải tỏa khu vực này để xây dựng khu phức hợp gồm nhiều công trình như văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ, bệnh viện, trường học, căn hộ... và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Sáu năm sau, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, song vì vướng pháp lý nên tiếp tục bị treo.

Sau hơn 20 năm, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành rà soát pháp lý, tham mưu việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Giờ đây, dự án đã bị thu hồi, nhưng Thành phố vẫn giữ quy hoạch với khu Mả Lạng và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Từ khi thu hồi vào đầu năm 2023 đến nay, dự án chưa thể thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Lý do bởi, tổng diện tích dự án chỉ là 6,8 ha, trong Nghị định số 15/2021 quy định dự án đầu tư xây dựng khu đô thị phải có quy mô từ 20 ha trở lên mới phải thực hiện thủ tục này.

Ngoài dự án trên, UBND Thành phố cho biết, trên địa bàn còn rất nhiều dự án đã có chủ trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng có quy mô nhỏ hơn đáng kể so với quy định đối với dự án xây dựng khu đô thị.

Hầu hết các dự án này đều có vị trí tại khu vực trung tâm Thành phố nên quỹ đất thực hiện không thể đảm bảo quy mô để được xem là khu đô thị theo pháp luật hiện hành.

Một số dự án có vị trí đắc địa như Khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (11.158 m2); Khu liên hợp nhà ở, văn phòng, thương mại Tản Đà - Hàm Tử (5.077 m2)…

Ngoài ra, các dự án không ở vị trí trung tâm thành phố nhưng có quy mô từ 5 ha trở lên, hiện trạng trên đất đang có nhiều hộ dân sinh sống với điều kiện sinh hoạt và chất lượng nhà ở xuống cấp, một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân như dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (200 ha); dự án Cụm chung cư Ngô Gia Tự (54.466 m2), dự án án nhà ở xã hội tại phường Trường Thạnh (9.804 m2)…

Do vậy, trong kỳ họp thường lệ diễn ra cuối tuần qua, HĐND TP.HCM thống nhất thông qua Nghị quyết cho phép UBND Thành phố được quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án nêu trên nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Theo đó, Nghị quyết 98/2023 quy định, UBND Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án; đất chưa được giải phóng mặt bằng…

UBND Thành phố cho rằng, việc sớm lựa chọn nhà đầu tư để đẩy nhanh triển khai các dự án nêu trên là nhu cầu cấp thiết của Thành phố để giải quyết các vấn đề thực tiễn, sớm đưa nguồn lực đất đai vào khai thác, tránh lãng phí; qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

Nhanh chân bắt sóng phục hồi

Bên cạnh tìm kiếm nhà đầu tư, UBND Thành phố cũng đang tăng tốc gỡ vướng cho các dự án bất động sản. Sau khi chốt danh sách 22 dự án để trình Hội đồng định giá đất, trong tuần qua, Chủ tịch UBND Thành phố đưa 2 dự án có nguồn thu lớn vào nội dung họp bàn tháo gỡ là Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte và khu đất 14,8 ha phường An Phú, TP. Thủ Đức để thanh toán theo Hợp đồng BT dự án đường song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Phương.

Theo chứng thư thẩm định giá, mức thu dự kiến của 2 dự án này lần lượt là 16.000 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng.

Ngoài 2 dự án trên, Thành phố cũng xem xét gỡ vướng cho một số dự án gồm Khu phức hợp tháp quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City làm chủ đầu tư; Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; Khu thương mại và căn hộ I-Home tại số 359 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp…

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang tiếp nhận 64 dự án với 8 nhóm vướng mắc, trong số này có phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước, có phần trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong 11 tháng, Thành phố đã giải quyết dứt điểm 8 dự án, 20 dự án được giải quyết một phần, còn lại đang tiếp tục giải quyết.

“Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết những dự án này và đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản Thành phố”, ông Mãi nói.

Theo báo cáo của UBND Thành phố, 8 dự án đã được gỡ pháp lý hoàn toàn gồm: Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát; Khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tân Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star; Khu liên hợp Thể dục thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Công ty cổ phần Gamuda Land; Khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn; Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long, quận 7 của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

Bên cạnh việc giải quyết vướng mắc pháp lý, lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khác như quy hoạch, rút ngắn quy trình thực hiện dự án... TP.HCM đã đề nghị Sở Xây dựng phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tốc độ thực hiện, giúp các dự án nhanh chóng triển khai trở lại và đưa sản phẩm ra thị trường để đón sóng phục hồi.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, cơ hội hồi sinh các dự án treo nhiều năm đã rõ ràng khi Chính phủ và TP.HCM đang tích cực rà soát, điều chỉnh để giải quyết các vướng mắc.

Trong đó, mục tiêu cao nhất của lãnh đạo TP.HCM là tháo gỡ ngay các dự án lớn, có tác động mạnh đến nền kinh tế, đến người dân và kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cung nhà ở dồi dào cũng như nguồn ngân sách cho Thành phố trong thời gian tới.

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tphcm-tang-toc-hoi-sinh-du-an-treo-post359976.html
Zalo