TP.HCM tăng cường bình ổn giá hàng hóa Tết
Để chuẩn bị nguồn hàng giá bình ổn cho Tết Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương TP.HCM đã cùng các doanh nghiệp triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa từ sớm, với 69 doanh nghiệp tham gia cùng nguồn vốn gần 23.000 tỷ đồng.
Cung ứng ra thị trường từ 1 đến 1,5 triệu trứng gia cầm trong ngày là số lượng hàng Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chuẩn bị cho thời điểm Tết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đảm bảo giá trứng gia cầm trong các kênh bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.
Theo ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thời gian một tháng trước Tết và một tháng sau Tết, giá cả hàng hóa được Công ty cam kết không thay đổi. Cũng theo tiêu chí chương trình bình ổn, những ngày gần Tết, Công ty cũng có giảm giá, bên cạnh đó là ứng dụng một số giải pháp về phần mềm từ các công ty giao nhận để kiểm soát việc giao nhận với chi phí tốt nhất.
Tổng lượng hàng bình ổn năm nay tăng từ 4 - 6% so với năm trước, dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 23 triệu quả trứng gia cầm, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả… Sở Công Thương TP.HCM cũng đã phối hợp cùng các đơn vị, từng quận, huyện tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ chương trình bình ổn cho Tết Ất Tỵ 2025.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Năm nay đã có thêm quy chế mới rất chi tiết và cụ thể để các doanh nghiệp tham gia hoàn toàn có thể chủ động, phát huy được lợi thế trong công tác sản xuất và dự trữ hàng hóa, cũng như phân phối được kịp thời, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dân. Năm nay, bên cạnh những mặt hàng truyền thống còn có những mặt hàng mới tham gia chương trình bình ổn giá như nước giặt, tẩy rửa…".
Thời điểm cận Tết năm nay, hàng bình ổn tiếp tục được các đơn vị đưa vào khu chế xuất, khu công nghiệp để phục vụ công nhân và người lao động. Theo chuyên gia, việc chuẩn bị nguồn hàng từ sớm với giá tốt giúp giảm thiểu tình trạng đầu cơ, tăng giá, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đều được tiếp cận hàng hóa bình đẳng và tiết kiệm.
Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, các doanh nghiệp tăng dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu gia tăng của người dân trong dịp Tết sẽ giúp cho giá cả cuối năm được bình ổn hơn và ít có khả năng tạo ra sự tăng giá đột biến. Từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhiều hơn trong năm mới và cũng giúp cho kiểm soát được tỷ lệ lạm phát.
Từ nay đến Tết, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng để có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Ngoài ra, các cơ quan ban, ngành cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.