TP.HCM: Tăng 800 ha đất khu công nghiệp để thu hút dự án lớn

Việc chuyển đổi từng khu công nghiệp – khu chế xuất hiện hữu sang các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ là hướng đi đúng đắn…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

UBND TP.HCM đã giao Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất (HEPZA) tham mưu đề xuất các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai.

Đồng thời, hoàn thiện, trình UBND TP.HCM đề án thí điểm chuyển đổi 05 khu chế xuất, khu công nghiệp là: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước.

ĐỊNH HƯỚNG CHỨC NĂNG MỚI

Theo đó, trong báo cáo tình hình hoạt động khu công nghiệp – khu chế xuất 10 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch công tác tháng 11/2024, HEPZA đề xuất các giải pháp để hình thành thêm 800 ha đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao.

Cụ thể, khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 (diện tích hơn 596,9 ha tại huyện Nhà Bè) được đánh giá về khả năng định hướng phát triển là khu công nghiệp chuyên ngành y - dược.

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng - giai đoạn 1 (diện tích 89,5 ha) cũng được đánh giá khả năng định hướng phát triển là khu công nghiệp chuyên ngành y - dược.

UBND huyện Bình Chánh phải xác định thời gian hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.

Đồng thời, HEPZA cần làm việc với Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc về quy hoạch ngành công nghiệp.

Với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (diện tích 338 ha), HEPZA được yêu cầu tham mưu kế hoạch triển khai khu công nghiệp này sau khi đã có kết quả làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với các đối tác trong Công ty cổ phần khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác.

Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II (diện tích 379 ha và 289 ha) tại huyện Bình Chánh sẽ được định hướng là khu công nghiệp thông minh, thế hệ mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TP.HCM về việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Trong các chương trình mời gọi đầu tư gần đây, TP.HCM đưa ra một số khu vực đầu tư là khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 (597 ha) và giai đoạn 3 (500 ha); khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha). Trong đó, khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II mới được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng 5/2023.

TP.HCM đang lên kế hoạch triển khai 02 khu công nghiệp này, trước mắt đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có những tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đã gửi văn bản đặt vấn đề tìm hiểu đầu tư.

THÍ ĐIỂM 05 KHU CÔNG NGHIỆP

TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp, 02 khu chế xuất, tổng diện tích khoảng hơn 5.000 ha. Đến nay, có gần 1.700 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,4 tỷ USD, trong đó 55% là vốn đầu tư nước ngoài.

Về đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm, các khu công nghiệp – khu chế xuất ở TP.HCM thu hút tổng vốn khoảng 233 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 14 dự án với vốn đầu tư đăng ký 15,3 triệu USD; 18 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 217 triệu USD (dự án Green Planet tăng 158 triệu USD).

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 3.436 tỷ đồng (tương đương hơn 140 triệu USD). Trong đó, cấp mới 26 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 1.828 tỉ đồng (tương đương 74,6 triệu USD); 14 dự án điều chỉnh vốn.

Để thu hút các dự án lớn, đáp ứng được các nhu cầu phát triển hiện tại trong bối cảnh số, UBND TP.HCM đã giao HEPZA và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện đề án thí điểm chuyển đổi 05 khu chế xuất, khu công nghiệp là: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước.

Theo đề án “Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thành phố sẽ thí điểm chuyển đổi 05 khu công nghiệp - khu chế xuất là: Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái, và Bình Chiểu.

Theo đó, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Khu công nghiệp Cát Lái (TP. Thủ Đức) được đề xuất chuyển đổi thành khu công nghiệp chuyên ngành logistics.

Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú - Bình Tân) được phát triển theo mô hình khu công nghiệp - dịch vụ, và sẽ được đầu tư theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao.

Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP. Thủ Đức) sẽ chuyển đổi theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nhà xưởng cao tầng, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao, phát triển hậu cần logistics.

Riêng khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Sau khi chuyển đổi sẽ xây dựng phân khu công nghiệp hỗ trợ 200 ha trong khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, triển khai khu dân cư phục vụ khu công nghiệp Hiệp Phước để đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ khu công nghiệp.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc xây dựng lộ trình chuyển đổi từng khu công nghiệp – khu chế xuất hiện hữu sang các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ là hướng đi đúng đắn.

Bởi trong chiến lược phát triển ngành trong tương lai, cần đi theo chiều sâu, dịch chuyển các hoạt động công nghiệp để làm chủ những công đoạn có giá trị gia tăng trên chuỗi giá trị hàng hóa của khu vực và toàn cầu.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-tang-800-ha-dat-khu-cong-nghiep-de-thu-hut-du-an-lon.htm
Zalo