TP.HCM sẽ triển khai mô hình TOD tại 11 khu vực dọc theo các tuyến metro và Vành đai 3

Ngày 25/2, UBND TP.HCM phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Anh tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại TP.HCM'.

Theo báo cáo của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, Hà Nội và TP.HCM đang đứng trước thách thức lớn trong việc hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2025 theo Kết luận số 49-KL/TW. Với các chính sách hiện hành, quá trình này có thể kéo dài tới 100 năm. Trong bối cảnh đó, mô hình TOD được xem là chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển theo mô hình này.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã nêu ra nhiều thách thức trong việc triển khai TOD tại TP.HCM, bao gồm: Khung pháp lý chưa hoàn thiện, khó khăn trong việc tích hợp quy hoạch sử dụng đất và giao thông, cũng như thiếu cơ chế huy động vốn.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2024-2028, Thành phố sẽ triển khai mô hình TOD tại 11 khu vực dọc theo các tuyến metro và Vành đai 3, trong đó 9 vị trí sẽ được ưu tiên thực hiện ngay từ năm 2024-2025.

Cũng theo ông Cường, TOD không chỉ giúp định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà còn tối ưu hóa sử dụng đất, gia tăng hiệu quả của các công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Thành phố đang khẩn trương vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 15/NQ-QH, vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025, nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về cách tổ chức thực hiện hiệu quả, lộ trình phát triển trong từng giai đoạn, huy động nguồn lực và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, một số giải pháp trọng tâm để triển khai TOD, bao gồm việc sắp xếp lại hệ thống xe buýt nhằm hỗ trợ các tuyến đường sắt đô thị, cải thiện kết nối giữa xe buýt và các nhà ga metro, nâng cao năng lực quản lý hệ thống giao thông công cộng và tối ưu hóa không gian xung quanh các nhà ga để khai thác quỹ đất hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Nghị quyết 15/NQ-QH cũng cho phép TP.HCM được thu và sử dụng toàn bộ nguồn thu từ khu vực TOD để đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị, giao thông công cộng và hạ tầng kỹ thuật. Nguồn thu này có thể đến từ tiền sử dụng đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch, lợi nhuận từ việc khai thác giá trị gia tăng của đất đai quanh các nhà ga, cũng như các khoản phí cải thiện hạ tầng và các nguồn thu khác.

Về lâu dài, mô hình này không chỉ giúp tối ưu hóa sử dụng đất mà còn giảm nhu cầu di chuyển xa, cải thiện chất lượng sống và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tìm ra giải pháp tối ưu giúp TP.HCM phát triển giao thông công cộng bền vững, giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, nâng cao an toàn giao thông và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Sơn Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-se-trien-khai-mo-hinh-tod-tai-11-khu-vuc-doc-theo-cac-tuyen-metro-va-vanh-dai-3-316263.html
Zalo