TP.HCM sẽ sửa chữa đèn chiếu sáng đô thị gặp sự cố trong 24 giờ
TP.HCM đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị, thông qua Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng có thể quản lý, điều khiển cũng như phát hiện đèn chiếu sáng bị hư hỏng.
Sáng 13-4, HĐND TP.HCM phối hợp cùng HTV tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 4-2025 với chủ đề “Quản lý và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị”.
Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến chiếu sáng đô thị thông minh, ngầm hóa lưới điện, hệ thống chiếu sáng được cử tri TP quan tâm.
Chiếu sáng đô thị bao gồm chiếu sáng công trình giao thông, mặt ngoài công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa, chiếu sáng nơi công cộng; chiếu sáng quảng cáo, lễ hội...

TP.HCM đảm bảo 100% đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, chiếu sáng đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đảm bảo 100% đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, chiếu sáng đô thị
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM (GTCC), cho biết hiện nay TP.HCM đang quản lý khối lượng rất lớn trụ đèn chiếu sáng, tủ điện chiếu sáng và đường dây chiếu sáng.
TP.HCM cũng đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng để nâng cao công tác quản lý chiếu sáng, từ đây có thể phát hiện hư hỏng và kịp thời sửa chữa. TP cũng ngầm hóa khối lượng khá lớn điện chiếu sáng các loại với khoảng 34%, các công việc này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư do hệ thống chiếu sáng đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ với các công trình, thời gian thực hiện. Ví dụ, muốn ngầm hóa phải đào đường, vỉa hè nên cần kết hợp với các công trình và tùy thuộc vào kế hoạch đầu tư công của TP.HCM...
Ông Hưng cho biết Trung tâm điều khiển chiếu sáng đô thị đưa vào vận hành, song mới vận hành một nửa khối lượng, còn một nửa chưa được cập nhật vào hệ thống điều khiển sẽ được triển khai trong thời gian tới. Thời gian qua, việc mất cắp điện chiếu sáng diễn ra khá trầm trọng (giai đoạn 2015-2020), Trung tâm đang phối hợp với các đơn vị để khắc phục tình trạng trên.
TP.HCM đã có kế hoạch phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị của TP, có định hướng phát triển hệ thống chiếu sáng gắn liền với quy hoạch của TP. TP cũng tích cực nâng cao việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng việc quản lý, khắc phục các bất cập của hệ thống chiếu sáng.
Cũng theo ông Hưng, TP.HCM có nhiều chính sách xã hội hóa phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị. Hiện, TP đã kết hợp với các đơn vị nước ngoài, tư nhân để triển khai thí điểm hệ thống chiếu sáng, tích cực kêu gọi đầu tư ở các dự án giao thông (bao gồm chiếu sáng) đặc biệt là các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nhanh chóng xử lý, khắc phục hệ thống chiếu sáng trong 24 giờ
Tại chương trình, một số cử tri phản ánh đèn chiếu sáng trên đường vẫn còn một vài trụ không sáng hoặc hư hỏng, gây mất an toàn giao thông.
Ông Lê Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP đang quản lý 184.000 đèn led. Đối với các vấn đề liên quan đến sự cố, ông Tấn cho biết Trung tâm có đội kiểm tra định kỳ, đột xuất để khắc phục ngay. Do vậy, người dân có thể thông tin qua đường dây nóng, cổng thông tin 1022 và sẽ được kịp thời xử lý.

TP.HCM nhanh chóng xử lý các bất cập liên quan đến đèn chiếu sáng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Theo ông Huỳnh Trí Dũng, Giám đốc Công ty CP chiếu sáng công cộng TP.HCM, công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức tiếp nhận thông tin để xử lý sự cố liên quan đến hệ thống chiếu sáng (gồm xử lý thường xuyên và sửa chữa ngay). Khi phát hiện sự cố về đèn chiếu sáng, công ty sẽ kiểm tra và xử lý ngay trong 24 giờ, thậm chí nhanh hơn.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, thông tin thời gian tới,TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngầm hóa hệ thống chiếu sáng trên địa bàn. Ngoài ra, TP đã có trung tâm điều khiển, có thể nhận biết hệ thống chiếu sáng hư hỏng để kịp thời sửa chữa.
Trung tâm này chủ động kiểm tra các tuyến đèn, tuyến đường định kỳ. Đồng thời, Sở GTCC dự kiến sẽ giao một đơn vị chuyên kiểm tra các hư hỏng của ngành GTCC từ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, nhà chờ xe buýt … để nhanh chóng chấn chỉnh, đặc biệt phải xử lý nhanh trong 24 giờ.
Chiếu sáng đô thị không chỉ đẹp, đòi hỏi phải hài hòa
Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý), cho hay Ban Quản lý đang làm chủ đầu tư hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đối với các công trình bảo tàng kiến trúc, cầu Móng, Nhà văn hóa thiếu nhi, dự kiến sẽ khởi công vào quý II-2025.
Ban Quản lý cũng tiến hành trang trí trục chính cửa ngõ TP như đường Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trỗi, hầm Thủ Thiêm, đường Võ Văn Kiệt…; ngoài ra ba tuyến đường chuyển đổi hệ thống chiếu sáng dân lập sang đô thị đang được Ban Quản lý triển khai.
Cạnh đó, TP đang triển khai nhiều dự án trọng điểm ở các đô thị, các tuyến đường này đều được đầu tư hệ thống chiếu sáng hiện đại, đồng bộ theo hệ thống chiếu sáng mới.

Hệ thống chiếu sáng ở khu vực chợ Bến Thành. Ảnh: NHƯ NGỌC
Ban Quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị vùng ven như Bình Chánh, quận 12, Củ Chi, Hóc Môn… để rà soát nhu cầu chuyển đổi, lập dự án và đề xuất lãnh đạo TP triển khai, thay đổi hệ thống chiếu sáng dân lập.
Theo ông Võ Khánh Hưng, hiện nay TP.HCM đang tập trung công tác quản lý chiếu sáng cho giao thông và các hoạt động khác như quảng trường, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Sở GTCC cũng sẽ báo cáo TP để tính toán, xác định pháp lý và có kế hoạch trong việc đầu tư công trong việc đầu tư hệ thống chiếu sáng.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đầu tư chiếu sáng rất lớn nhưng nguồn lực có phần hạn chế. Vì vậy, TP cần tính toán kỹ trong việc quyết định đầu tư, làm từng bước để mang lại hiệu quả.
Ông Hưng cho biết hiện nay trên các trụ điện vẫn còn dây cáp chằng chịt của nhiều ngành từ viễn thông, chiếu sáng, dây điện…, để xóa bỏ tình trạng này cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, kế hoạch đầu tư để thay thế cho đồng bộ.
“TP sẽ tiếp tục khắc phục, nâng cao chất lượng quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng; ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao không chỉ sáng mà còn đẹp, hài hòa với các yếu tố như trật tự an toàn giao thông, cảnh quan môi trường, lịch sử văn hóa, du lịch dịch vụ…” – ông Hưng nhấn mạnh.