TP.HCM sẽ có 3 không gian sách mới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM sẽ khánh thành 3 không gian sách mới và trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở.
Trong buổi làm việc với báo chí sáng 27/9, Trưởng phòng xuất bản, in và phát hành Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Trịnh Hữu Anh cho biết Thành phố đang triển khai nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Hai công trình của ngành xuất bản "Xây dựng các đường sách, không gian sách trên địa bàn thành phố góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân thành phố" và "Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở" nằm trong số 65 công trình được Thành phố đầu tư thực hiện.
Hệ sinh thái không gian sách TP.HCM
Trong đó, công trình "Xây dựng các đường sách, không gian sách trên địa bàn thành phố góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân thành phố" sẽ nhân rộng hệ thống đường sách trên địa bàn TP.HCM theo các hướng phía Đông, Tây, Nam, Bắc, góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân.
Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng 3 không gian sách, đường sách mới gồm: Không gian sách quận Bình Tân (Công viên cây xanh, đường số 19, phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân); Đường sách Nguyễn Đổng Chi (đường Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7); Không gian sách huyện Củ Chi (tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi, số 1, tỉnh lộ 8, khu phố 1, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi).
Theo ông Trịnh Hữu Anh, hiện thiết kế các không gian sách này đều đã hoàn thành, được địa phương phê duyệt và gửi đến Sở TT&TT TP.HCM. Các thiết kế chính thức dự kiến công bố tại Lễ Khai mạc Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số diễn ra vào ngày 25/10.
Trong hai tháng cuối năm, các công trình sẽ được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trước tháng 4/2025.
Các "tọa độ" đọc sách mới theo hướng Tây - Nam - Bắc này kết nối với Đường sách TP Thủ Đức tại hướng Đông và trung tâm là Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) sẽ tạo thành một "hệ sinh thái" không gian văn hóa đọc.
Nhìn từ kinh nghiệm thành công của Đường sách TP.HCM và Đường sách TP Thủ Đức, các không gian này cũng được kỳ vọng trở thành địa chỉ tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc của thành phố.
Đưa sách đến tay người dân trong bối cảnh chuyển đổi số
Công trình "Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở" đã tiến hành từ tháng 2/2024 và dự kiến kéo dài đến tháng 12/2025. Ông Trịnh Hữu Anh cho biết đến nay các đơn vị đã huy động nguồn lực xã hội hóa và tự trang bị được 1.410.000 cuốn sách vật lý.
Mục tiêu đặt ra trước mắt là đến cuối năm nay, chương trình đạt mốc 2 triệu sách giấy song song 3.000 sách điện tử, sách nói. TP.HCM đang tiến hành làm việc với các đơn vị sách điện tử, sách nói trên thị trường để đẩy nhanh triển khai thực hiện. Các đầu sách in, sách nói, sách điện tử của chương trình dự kiến công bố vào đầu năm 2025.
Thông qua các hoạt động truyền thông, TP.HCM sẽ huy động nguồn xã hội hóa, phấn đấu hết năm 2025, 5 triệu quyền sách sẽ đến tay người dân. Số lượng sách này sẽ được phân bổ ở thư viện các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và thư viện 21 quận, huyện trên địa bàn và TP Thủ Đức.
Ông Trịnh Hữu Anh kỳ vọng rằng nỗ lực này sẽ "tạo cú hích cho hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc của TP.HCM". Chương trình hướng đến mục tiêu tạo ra nguồn học liệu và kho tàng tri thức phong phú, dễ tiếp cận cho người dân và học sinh TP với nhiều phương thức đọc khác nhau, phù hợp xu hướng đọc sách trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.