TP.HCM phát triển cấp cứu ngoại viện: Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Hệ thống cấp cứu ngoại viện phát triển sẽ giúp giảm gánh nặng và tăng hiệu quả cho hoạt động cấp cứu, chăm sóc và điều trị người bệnh.

Bệnh nhân HTNP (57 tuổi, ngụ quận 3) đang đi xe máy thì va chạm giao thông với xe ô tô đi cùng chiều. Cú va chạm xe khiến bà té xuống đường và bị thương ở chân, không thể tự đi được.

Tăng vụ tai nạn giao thông nhưng giảm tử vong

Người dân xung quanh đó thấy bà P ngã, bị xe máy đè nên đỡ nạn nhân dậy, dìu vào lề đường và gọi ngay xe cứu thương để đưa bà vào bệnh viện.

Khi xe cứu thương đến hiện trường, ê-kíp tiến hành sơ cấp cứu cho bệnh nhân. Chẩn đoán bệnh nhân có thể bị chấn thương gối, trật khớp gối, ê-kíp đã dùng nẹp cố định khớp gối và nhanh chóng đưa bệnh nhân lên xe.

 Bà P được ê-kíp cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà P được ê-kíp cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà P được cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115. Lúc cấp cứu tại hiện trường, vì hoảng loạn nên bà không rõ có bị va chạm ở đầu hay những vị trí nào khác. Bệnh nhân được chụp phim để kiểm tra tình trạng chấn thương và theo dõi, điều trị tại đây.

Tại hội nghị phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện diễn ra ngày 31-12 do Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ Trưởng Bộ Y tế, cho biết theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ tính riêng về tai nạn giao thông, 9 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 15-12-2023 đến 14-9-2024) toàn quốc xảy ra 17.836 vụ, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người.

So với cùng kỳ năm 2023, tăng hơn 1.500 vụ, giảm hơn 800 người chết, tăng hơn 2.400 người bị thương.

 Cấp cứu nhanh chóng, kịp thời sẽ giảm thiểu hậu quả nặng nề do tai nạn cho người dân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cấp cứu nhanh chóng, kịp thời sẽ giảm thiểu hậu quả nặng nề do tai nạn cho người dân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo ông Thuấn, thực tế cho thấy nếu công tác cấp cứu trong viện, ngoại viện thực hiện tốt, nhanh chóng, kịp thời thì sẽ giảm thiểu hậu quả nặng nề do tai nạn cho người dân.

“Hiện nay, ngành y tế và toàn hệ thống khám, chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực trong cấp cứu. Tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở pháp lý, hệ thống tổ chức mạng lưới, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, số lượng nhân lực, trang thiết bị, đặc biệt là cấp cứu ngoại viện” - ông Thuấn nhận định.

Kiến nghị thu hồi đầu số 115 từ hệ thống cấp cứu tư nhân

TS Khương Anh Tuấn, Viện phó Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), cho hay hiện nay công tác cấp cứu ngoại viện của nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.

Theo đó, cấp cứu ngoại viện chưa được tổ chức, điều hành theo một đầu mối và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế khác. Thậm chí, một số Sở Y tế địa phương không còn quản lý điều phối cấp cứu ngoại viện và giao đầu số 115 cho đơn vị cấp cứu tư nhân. Trong khi cơ sở cấp cứu ngoại viện y tế tư nhân không có và không thực hiện chức năng năng điều phối cấp cứu ngoại viện trên địa bàn.

 Có 17/63 tỉnh thành chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chỉ số xe cứu thương trên đầu dân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Có 17/63 tỉnh thành chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chỉ số xe cứu thương trên đầu dân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Tuấn cho biết thêm, có 17/63 tỉnh thành chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chỉ số xe cứu thương trên đầu dân, số xe đạt chuẩn chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu. Chưa có cơ chế mua sắm, duy trì vận hành xe cứu thương cũng như thiếu cơ chế điều phối huy động các nguồn lực xe cứu thương khác trên địa bàn tham gia cấp cứu ngoại viện.

Về nhân lực, hiện nay không đủ số lượng và cơ cấu, không được đào tạo cơ bản về cấp cứu ngoại viện, đa số nhân viên đội cấp cứu ngoại viện chưa có chứng chỉ hành nghề. Phần lớn do chưa có quy định về chứng chỉ hành nghề cho cấp cứu ngoại viện; chưa có mã ngạch và chương trình đào tạo cấp cứu ngoại viện, thiếu cơ sở thực hành tiền hành nghề; chưa có chính sách lương, phụ cấp đặc thù cho cấp cứu ngoại viện cũng như chính sách tuyển dụng, sử dụng nhân lực phù hợp.

Các bệnh viện không có quy định tài chính chi cho hoạt động của đội cấp cứu ngoại viện, bệnh viện phải tự chủ mà không thu được phí dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Vì hiện không quy định về định mức kỹ thuật và giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; không có quy định BHYT chi trả phí dịch vụ này. Thiếu chính sách đầu tư phát triển cho lĩnh vực cấp cứu ngoại viện ở cấp trung ương và địa phương cũng như hạn chế trong vai trò tham mưu của ngành y tế.

Ông Tuấn kiến nghị cấp cứu ngoại viện phải được quản lý, điều phối thống nhất trong tổng thể mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế với sự kết nối và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đơn vị/tổ chức khác có liên quan.

“Đặc biệt phải thiết lập được một đầu mối tiếp nhận thông tin và điều phối chung cho các hoạt động cấp cứu ngoại viện. Đề nghị thu hồi lại đầu số 115 từ hệ thống cấp cứu tư nhân để đảm bảo công tác điều phối cấp cứu được thực hiện một cách có hệ thống” - ông Tuấn nhấn mạnh.

 PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại hội nghị phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại hội nghị phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

"Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ xây dựng hoàn chỉnh đề án cấp cứu ngoại viện và trình Bộ Y tế. Đề án liên quan đến cơ chế tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành y tế" - ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Để phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp của TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kiến nghị BHYT chi trả chi phí các dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện; cần định mức về chủng loại, số lượng xe mô tô cứu thương, tàu cứu thương; quy định việc cấp phép hoạt động loại hình phương tiện này.

Theo ông Dũng, cần có quy định riêng biệt và hướng dẫn cụ thể cho 2 loại hình xe cứu thương không khẩn cấp và xe cứu thương khẩn cấp; Cần các chế độ, phụ cấp ưu đãi và bảo hiểm nghề phù hợp với mức độ nguy hại khi hoạt động ngoài hiện trường cho nhân viên y tế, bao gồm lái xe cứu thương.

 Hình thành Trạm Cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Hình thành Trạm Cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Cạnh đó, ông Dũng kiến nghị cần kết nối mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện quy mô vùng; Chủ trương cấp cứu ngoài bệnh viện bằng đường không cho người dân có nhu cầu và thiết lập đường bay cấp cứu.

“Hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện phát triển sẽ giúp giảm gánh nặng và tăng hiệu quả cho hoạt động cấp cứu, chăm sóc và điều trị người bệnh” - ông Dũng nói.

5 mục tiêu phát triển cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM

- Hình thành hệ thống Trung tâm Cấp cứu 115 trong TP gắn với định hướng phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu TP, gồm: Cụm Tân Kiên, Cụm Trung tâm và Cụm Thủ Đức; 2 trạm cấp cứu 115 đặc thù, gồm: Trạm Cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ và Trạm Cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175.

- Xây dựng cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp

- Triển khai chương trình đào tạo chính quy cho các đối tượng nhân viên y tế; Xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực.

- Đa dạng hóa các loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu: Đường bộ, đường thủy và đường không

- Nâng cao chất lượng cấp cứu ngoài bệnh viện của các trạm cấp cứu vệ tinh; phổ cập kiến thức, năng lực thực hành sơ cứu cho người dân.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-phat-trien-cap-cuu-ngoai-vien-tang-co-hoi-song-cho-benh-nhan-post827783.html
Zalo