TP HCM: Nhiều bệnh viện quá tải, cần đầu tư nâng cấp
Một số bệnh viện trên địa bàn TP HCM đang trong tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất và quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Thông tin trên được PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM với các sở, ban, ngành về Phát triển hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.
Tại buổi làm việc, PGS Nguyễn Anh Dũng cho biết thời gian qua, ngành y tế TP HCM đã có những bước tiến quan trọng. đặc biệt trong việc phát triển y tế chuyên sâu. Nhiều bệnh viện đã đạt chuẩn chất lượng quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và du khách.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể một số bệnh viện như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện vẫn còn tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất và quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, trung tâm tầm soát và phát hiện sớm bệnh bằng công nghệ cao chưa được khởi công, trong khi nhu cầu kiểm tra sức khỏe bằng công nghệ hiện đại của người dân ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó là một số khó khăn về cơ chế tự chủ tài chính tại một số bệnh viện. Hiện có 7 bệnh viện được UBND TP HCM giao quyền tự chủ tài chính nhóm 1, nhưng việc thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện theo quy định của Nghị định số 120/NĐ-CP vẫn chưa được triển khai. Điều này dẫn đến khó khăn trong quản lý và nâng cao hiệu quả công tác. Không chỉ vậy, ngành y tế TP còn khó khăn về biên chế y tế. "Dù có quy định về vị trí việc làm và định mức biên chế các trạm y tế vẫn gặp khó khăn trong việc bổ sung biên chế. Điều này khiến ngành y tế gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các trạm y tế, đặc biệt trong bối cảnh TP phải tăng cường số lượng cán bộ cho trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức" - Lãnh đạo ngành y tế TP HCM nói.
Đáng chú ý, cơ cấu giá dịch vụ y tế và nguồn vốn đầu tư chưa hợp lý, chưa tính đúng, tính đủ, dẫn đến một số bệnh viện có nguy cơ mất cân đối thu chi. Nguồn kinh phí cho công nghệ thông tin còn vướng mắc, do giá khám chữa bệnh chưa được tính đầy đủ, mới chỉ bao gồm chi phí tiền lương, phụ cấp và chi phí trực tiếp.
Trước những khó khăn trên, Sở Y tế TP HCM đã trình HĐND TP HCM đề án đầu tư, cải tạo và nâng cấp các bệnh viện xuống cấp trên, thậm chí có thể xây mới để nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển các chuyên khoa sâu trên địa bàn.
Theo Sở Y tế, năm 2025, ngành y tế sẽ chú trọng xây dựng cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công, nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Song song đó, ngành y tế sẽ tập trung triển khai các đề án chiến lược nhằm phát triển toàn diện hệ thống y tế TP.
Về các trạm y tế, PGS Dũng đề xuất, trong bối cảnh sắp xếp lại các phường, xã, cần duy trì đội ngũ trạm y tế hiện tại để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cho biết trong giai đoạn 2021-2025, đơn vị đã tham mưu cho công tác đầu tư y tế và dân số với tổng vốn lên đến hơn 22.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngành y tế đã đưa vào sử dụng nhiều cơ sở hạ tầng lớn như Bệnh viện Ung bướu; Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1)... Những công trình này góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Dự kiến, trong năm 2025, 3 bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa Củ Chi) sẽ được khánh thành. Các bệnh viện này có quy mô tầm khu vực và sẽ đạt chuẩn Đông Nam Á, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Trong giai đoạn tới, từ 2026-2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND TP trình HĐND TP dự kiến đầu tư 170 dự án thuộc y tế, dân số và gia đình với tổng vốn đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND đánh giá cao sự nỗ lực của ngành y tế trong việc triển khai nhiều đề án, chương trình có hiệu ứng xã hội tích cực. Chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là trong chuyển đổi số. TP đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến chuyên sâu, đặc biệt là các bệnh viện cửa ngõ.
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý như tiếp tục nâng cao chất lượng y tế cơ sở, rà soát lại cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trạm y tế, tăng cường đầu tư vào thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị mãn tính. Cần đánh giá lại các trạm y tế không thu hút được người bệnh để tránh lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, ông Bình cũng lưu ý ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngành du lịch để phát triển du lịch y tế, tạo ra một cơ sở dữ liệu liên kết giữa du lịch và y tế, giúp thành phố khai thác tiềm năng này một cách hiệu quả.