TP.HCM nhẹ gánh nỗi lo quỹ đất phát triển công nghiệp
Nhiều năm qua, thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp là lực cản lớn khiến TP.HCM hụt hơi trong cuộc đua thu hút đầu tư. Song, việc mở rộng địa giới hành chính đang mở ra hướng đi mới.
Thiếu quỹ đất là điểm nghẽn chính khiến các dự án lớn và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM liên tục sụt giảm trong những năm gần đây. Nhiều khu công nghiệp tại Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được vì vướng giải phóng mặt bằng.
Để giải bài toán thiếu đất công nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) từng đề xuất chuyển đổi các khu đất nông nghiệp khai thác kém hiệu quả sang đất công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra một hướng tiếp cận mới.
Theo các chuyên gia, sự hợp nhất này không chỉ mang ý nghĩa hành chính, mà còn tạo điều kiện để quy hoạch các khu công nghiệp mới quy mô lớn hơn, bố trí bài bản hơn, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp các địa phương có điều kiện phân vùng phát triển công nghiệp rõ ràng hơn. Không chỉ dừng lại ở những khu công nghiệp truyền thống, các địa phương có thể định hướng phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ chuyên ngành, tập trung cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, điện tử, bán dẫn…
Ông Lê Trọng Hiếu, Trưởng bộ phận phụ trách về mảng bất động sản, công nghiệp và văn phòng của CBRE Việt Nam cho rằng, chủ trương sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính tạo ra sự dịch chuyển trong định hướng quy hoạch và phát triển khu công nghiệp. Với TP.HCM, việc mở rộng quy mô quản lý có thể giúp Thành phố sở hữu nguồn lực lớn hơn, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Theo ông Hiếu, khi một doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ cân nhắc rất nhiều yếu tố. Đối với TP.HCM, đây không còn là địa điểm có chi phí thuê mặt bằng cạnh tranh, nhưng nếu xét về nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và đặc biệt là hệ sinh thái doanh nghiệp, cộng đồng dân cư xung quanh các khu công nghiệp, thì TP.HCM vẫn có những lợi thế rất rõ ràng. Một trong số đó là vị trí địa lý gần các cảng biển, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển.
“CBRE đã tư vấn cho khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhu cầu cao về logistics, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn trong các ngành như ô tô - nơi yêu cầu hệ thống kho bãi lớn. Lý do là, với những tàu có tải trọng lớn, vận chuyển các kiện hàng đặc thù, sau khi cập cảng, doanh nghiệp cần một nơi để lắp ráp hoặc làm trung tâm phân phối. Những trung tâm như vậy đòi hỏi vị trí gần cảng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Do đó, khu vực TP.HCM có lợi thế nhất định, đóng vai trò trung tâm phân phối, lắp ráp, logistics…”, ông Hiếu nói.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Hepza cũng cho biết, sau sáp nhập, TP.HCM có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp, với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo quy hoạch, đến năm 2050, địa phương sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp.
Tuy vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ ra những thách thức cần giải quyết để “mở khóa” tiềm năng tăng trưởng nền công nghiệp của Thành phố.
Thứ nhất, hạ tầng các tuyến vành đai, cao tốc, trung tâm logistics chậm triển khai khiến chuỗi cung ứng thiếu liền mạch. Hiện nay, chỉ khoảng 15% hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) được vận chuyển bằng đường thủy nội địa hoặc đường sắt, còn lại phụ thuộc vào đường bộ.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), trước tiên, cần ưu tiên hoàn thiện Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là các tuyến then chốt kết nối trực tiếp các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu - phát triển, cảng biển quốc tế (Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải) và các ICD nội vùng.
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và trình độ lao động. Ông Võ Sơn Điền, Giám đốc điều hành tiếp thị Tổng công ty Becamex cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào phụ tùng, linh kiện, vật liệu nhập khẩu. Vì vậy, cần hỗ trợ phát triển ngành vật liệu cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp nội địa lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng, dành nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phát triển trung tâm kiểm định chất lượng chuẩn quốc tế.
Thứ ba, xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thời trang TP.HCM cho biết, về số lượng thì không thiếu lao động, nhưng thiếu người vận hành máy móc tự động, xử lý dữ liệu sản xuất, kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghiệp số và công nghệ cao, TP.HCM cần xây dựng hệ thống đào tạo kỹ thuật tiên tiến, gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học, cao đẳng nghề - doanh nghiệp - khu công nghiệp.
Giải pháp trọng tâm là xây dựng mạng lưới đào tạo với các trung tâm nghề công nghệ cao; mở rộng đào tạo các ngành kỹ thuật tự động hóa, thiết kế công nghiệp, điều khiển số, logistics thông minh, năng lượng sạch. Ngoài ra, công nghiệp xanh và tuần hoàn đang là xu hướng toàn cầu, gắn với các cam kết Net Zero 2050. Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM nên tiên phong phát triển công nghiệp mới, trong đó hiệu quả sản xuất gắn liền với trách nhiệm môi trường và số hóa toàn diện quy trình.