TP.HCM nghiên cứu bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong phát triển metro

Ngày 8/5, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa các chủ trương lớn của Trung ương và Quốc hội trong việc phát triển đường sắt đô thị.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng ban Thường trực; các Phó Trưởng ban khác gồm: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Phước Lộc.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 19 ủy viên là lãnh đạo UBND TP, các ban Đảng, Thanh tra TP và đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM

Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Sở Xây dựng, sử dụng bộ máy và nhân sự hiện có để thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai các định hướng, nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong đó có Kết luận số 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho TP.HCM và Hà Nội.

Ban Chỉ đạo còn có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích, bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy. Các quyết định quan trọng sẽ do Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành, trên cơ sở phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các thành viên.

Theo quy hoạch, đến năm 2035, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km, đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Giai đoạn tiếp theo từ 2035 - 2045 sẽ mở rộng thêm 155 km, nâng tổng chiều dài hệ thống metro toàn thành phố lên 510 km.

Một trong những dự án trọng điểm sắp được triển khai là tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), với tổng chiều dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao cùng tuyến đường dẫn vào depot Tham Lương (Quận 12). Dự án dự kiến khởi công vào tháng 12/2025.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tphcm-nghien-cuu-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-trong-phat-trien-metro-post1198204.vov
Zalo